Lần đầu tiên Hội nghị mật mã Châu Á sẽ được tổ chức tại Việt Nam

16:05 | 21/11/2016

Tham dự Hội nghị năm nay (từ 4-8/12/2016 tại Hà Nội) sẽ có những nhà khoa học đầu ngành như Adi Shamir (người đoạt giải thưởng Turing - giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực Khoa học máy tính), những nhà nghiên cứu đi đầu mở đường cho sự phát triển khoa học mật mã ở nhiều nước như: Jacques Stern (Pháp), Tatsuaki Okamoto (Nhật Bản), Serge Vaudenay (Thụy Sỹ)… và nhiều chuyên gia có vai trò quan trọng trong cộng đồng mật mã thế giới.




ASIACRYPT là một trong ba hội nghị thường niên lớn nhất thế giới về mật mã, bên cạnh EUROCRYPT và CRYPTO. Đây là 3 hội nghị quốc tế chính thức của Hội mật mã thế giới (IACR), được tổ chức hàng năm tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ.

ASIACRYPT 2016 được tổ chức tại Hà Nội, sự kiện do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức, dự kiến khoảng 250 nhà khoa học từ 40 nước tham dự. Đồng Trưởng ban tổ chức Hội nghị là GS. Ngô Bảo Châu (VIASM và Đại học Chicago, Mỹ) và GS. Phan Dương Hiệu (Đại học Limoges, Pháp).

ASIACRYPT 2016 đã nhận được 240 công trình khoa học gửi tới từ nhiều nước trên thế giới. Sau quy trình lấy ý kiến nhận xét của các nhà khoa học đã có 67 công trình khoa học đã được lựa chọn để xuất bản và trình bày tại Hội nghị (danh sách các công trình này và chương trình hội nghị đã được đăng trên website của ban tổ chức). Ba báo cáo mời với chủ đề “Triển khai thực tế của mật mã trên internet”, “Những tiến bộ trong các hàm mã hóa” và “Mật mã học của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ” sẽ được trình bày khai mạc các phiên hội thảo từ ngày 5-7/12/2016, cùng nhiều công trình khoa học của các trung tâm nghiên cứu mật mã có uy tín trên thế giới.

Trong chương trình của ASIACRYPT 2016, sẽ diễn ra một số sự kiện như:

- Từ 27/11 đến 4/12/2016, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ tổ chức khóa học “Trường thu” với chủ đề “Mật mã: Nền tảng và xu hướng mới” gồm 4 chuyên đề: Cơ sở toán học của mật mã; Chứng minh an toàn cho các lược đồ khóa công khai; Thám mã các hệ mật khóa công khai; Mật mã tốc độ cao. Các lớp học được tổ chức miễn phí và đã thu hút sự quan tâm của cán bộ các trường đại học và viện nghiên cứu trong khu vực. Để đảm bảo chất lượng lớp học, BTC đã chọn khoảng 70 học viên tham dự khóa học này (tham khảo tại địa chỉ tại đây).

- Lớp học đại chúng về Mật mã học hiện đại, sẽ diễn ra vào chiều 4/12/2016, tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Hà Nội. Giảng viên chính của lớp học là Giáo sư Adi Shamir - người đã tham gia và chứng kiến toàn bộ sự hình thành và phát triển của mật mã hiện đại. Ông cũng là một trong ba người đề xuất hệ mật RSA đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Đối tượng tham gia lớp học gồm học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, những người làm nghiên cứu và quan tâm tới mật mã. Đây là cầu nối giữa hoạt động học tập và nghiên cứu mật mã, là dịp để tìm hiểu về quá trình phát triển 40 năm của mật mã hiện đại. Để tham gia lớp học, quý độc giả vui lòng đăng ký tại địa chỉ tại đây.