Lãnh đạo BBC: Thách thức và khó khăn chính là cơ hội của báo chí

16:27 | 30/03/2017

Tin tức giả mạo, cuộc đua với mạng xã hội không chỉ là nỗi lo với những tờ báo Việt Nam, ngay cả với hãng truyền thông lớn như BBC, đó cũng là câu chuyện được đem ra bàn luận một cách nghiêm túc nhất.



Khi hàng trăm tờ báo đang đối mặt với nhiều thách thức, bà Francesca Unsworth, Giám đốc BBC World Service Group (Hệ thống ​Tin tức ​Thế giới) lại có cách nhìn lạc quan rằng, khi niềm tin của độc giả trở nên lung lay, cơ hội cho báo chí sẽ được mở ra.

Trao đổi với Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam, ​trong chuyến công tác tới Việt Nam chiều 26/3, người phụ nữ quyền lực ở BBC cũng hơn một lần nhắc tới việc làm sao để gắn kết với độc giả, nhất là những độc giả trẻ tuổi trong khi trên mạng xã hội, người dùng đang có rất nhiều cách để giải trí, tiêu khiển.

Hãy xác thực thông tin một cách nhanh nhất

Thách thức lớn nhất với truyền thông hiện tại là khi mà mạng xã hội bùng nổ và cuộc chiến với tin tức giả đang vào hồi quyết liệt. Câu trả lời được bà Francesca Unsworth nhấn mạnh tới 2 lần trong cuộc trò chuyện với VietnamPlus là “cách báo chí gắn kết với độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi.”

Theo bà, mạng xã hội đã mang đến nhiều “xao nhãng” cho độc giả khi công chúng có nhiều sự lựa chọn để giải trí, tiêu khiển hơn trước. Bởi vậy, để thu hút được độc giả, theo bà, điều quan trọng là các tòa soạn phải “kể được những câu chuyện ý nghĩa.” Cho rằng đây là việc làm khó và đang “ngày càng khó hơn” nhưng bà khẳng định, điều đó càng khiến các tờ báo phải tìm ra câu chuyện gắn kết với độc giả.

Không tỏ ra “kỳ thị” với mạng xã hội, người phụ nữ lãnh đạo BBC World Service Group với hơn 2500 nhà báo hoạt động tại 113 quốc gia cho rằng, chính không gian mạng đang là cơ hội để báo chí có thêm nhiều độc giả. Bản thân BBC theo bà cũng đang có những lượng thính giả không nhỏ theo dõi thông tin trên Facebook của BBC.

“Hàng tỷ người theo dõi thông tin trên Facebook và đó là 1 trong những cách chúng ta thu hút được thêm độc giả cho mình,” bà Francesca Unsworth nói.

Theo bà, chính mạng xã hội đang thôi thúc tòa soạn phải nỗ lực làm việc để nhận ra: Mọi người đang đọc gì, xem gì, trên nền tảng truyền thông nào?

Cũng có cái nhìn lạc quan không kém với cuộc khủng hoảng tin tức giả (fake news) mà báo chí đang phải đối mặt, vị nữ lãnh đạo của BBC cũng giữ quan điểm, “trong một chừng mực nào đó, tin tức giả cho ta cơ hội.”

Theo bà, tin tức giả cho truyền thông cơ hội vì các hãng thông tin phải cam kết tính chính xác của chính tin tức mình đưa ra, phải nói lên sự thật. “Đó là điều chúng tôi đang cố gắng hướng tới,” người phụ nữ vào nghề báo từ năm 1980 bày tỏ.

Nhấn mạnh lại, bà cho rằng, trong cuộc khủng hoảng tin tức giả, điều những nhà báo cần làm là xác thực thông tin một cách nhanh nhất cho độc giả. Chính điều này sẽ kéo niềm tin của độc giả lại. BBC biết điều này và cho rằng đó chính là cơ hội để “thiết lập lại niềm tin với công chúng.”

“Tính chính xác của thông tin” cũng điều bà tâm niệm khi nói về cuộc đua với mạng xã hội. Bà nói, khi làm báo thì ai cũng mong muốn là người đầu tiên biết chuyện gì xảy ra, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội, các cơ quan báo chí không phải lúc nào cũng đạt được điều này. Nhắc tới vụ tấn công ở Anh hồi tuần trước, vị lãnh đạo của BBC World Service Group thừa nhận, tất cả hình ảnh, video clip đều xuất phát từ những người có mặt tại đó. Lực lượng phóng viên “ăn lương chỉ để tới những sự kiện như thế” nhưng theo bà dù nhanh nhất, có thể vẫn chậm chân hơn mạng xã hội.

Bởi vậy, vấn đề theo bà là phải phân loại thông tin giúp độc giả, để người đọc, người xem thấy được đâu là thông tin đáng tin cậy.

“Phải có sự kiểm chứng độ xác thực tin đồn trên mạng xã hội thật nhanh. Tôi nghĩ, độc giả cũng muốn điều đó,” bà Unsworth khẳng định.

 ‘Không thể đợi khán giả tự bật radio” 

Nhìn lại những năm tháng trong đời làm nghề, bà Francesca Unsworth kể lại rằng, bà tham gia BBC từ khi mọi thứ rất khó khăn. Đó là thuở các hãng thông tấn vẫn làm việc với băng từ và việc cắt ghép được thực hiện rất thủ công. 

Trở lại với thực tại, bà tâm sự, báo chí phải làm quen với việc chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính bảng để tác nghiệp. Và đó cũng chính là việc theo bà khiến các hãng truyền thông phải đấu tranh vất vả để tự thích ứng. 

Chính sự thay đổi về cách tác nghiệp như thế đã khiến cuộc đua của các hãng truyền thông trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Nói về cách thâm nhập thị trường, bà tâm sự, BBC phải tìm cách thức tốt nhất để vươn tới công chúng. Bản thân BBC hiện sử dụng nhiều nền tảng, từ phát thanh, truyền hình tới mạng xã hội, website và đã trở thành một tổ hợp truyền thông chứ không chỉ là một hãng phát thanh truyền hình truyền thống.

“Tới hiện tại, chúng tôi đã phát bằng 29 ngôn ngữ trên khắp thế giới. Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ tăng số lượng ngôn ngữ lên 40 trong đó có nhiều ngôn ngữ của các nước phát triển,” bà nói.

Ví dụ được bà đưa ra là ở đất nước châu Phi, Malawi. Điều ngạc nhiên là lượng thính giả nghe radio của BBC ở đất nước này vô cùng lớn trong khi chỉ có 10% dân số có thể tiếp cận điện năng. 

Bà đặt ra câu hỏi, “nếu chỉ truyền hình làm sao vươn tới được?” Và cũng bởi thế, một khu vực khác tại châu Phi là vùng Hạ Sahara cũng đang được BBC hướng tới. Quyết định này theo bà bởi đây sẽ là khu vực có dân số đông gấp đôi trong vài thập kỷ tới.

Tất nhiên, điều quan trọng theo bà không chỉ là việc đa dạng các nền tảng thông tin mà còn là làm sao giới thiệu được nội dung tới công chúng. 

“Tiếp thị ngày càng trở nên quan trọng chứ không chỉ thụ động đợi mọi người bật radio lên nghe. Để khuyến khích độc giả, ta phải thu hút được suy nghĩ của độc giả, làm cho mọi người thấy thích thú và họ muốn tải những nội dung của mình về để nghe lại trong ngày,” vị lãnh đạo của BBC khuyến cáo. Bà cũng nhắc tới sự thay đổi về thói quen của thính giả, khi họ chỉ muốn nghe những chương trình nhất định theo nhu cầu, thậm chí từng phần nhỏ, nên thay vì phải theo dõi cả một chương trình phát thanh dài thì nhiều người quay sang hình thức podcasting.

Kiếm tiền từ nội dung: Câu hỏi khó cho cả BBC

Cũng liên quan tới mạng xã hội, câu chuyện của vị lãnh đạo của BBC World Service Group nhắc tới Facebook như những con cá lớn, cùng với Google, đang "ngoạm" phần lớn doanh thu quảng cáo.

Câu hỏi đặt ra cho bà làm sao để kiếm tiền từ chính nội dung các tờ báo. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện kéo dài tới gần một tiếng đồng hồ với lãnh đạo Báo điện tử VietnamPlus, bà thừa nhận, đó là vấn đề “cực kỳ khó khăn.”

Sự khó khăn này theo bà đang được đặt ra với chính BBC vì cũng có một bộ phận thương mại. “Chúng tôi cũng vậy. Sự thực thì doanh thu quảng cáo đã bị Facebook và Google chiếm phần lớn, tới 75%,” bà nói.

Bà Francesca Unsworth phải lên tiếng rằng, bà cũng “chưa có câu trả lời.” Theo bà, các loại hình truyền thông đều gặp khó trong việc kiếm thêm doanh thu. Một số ít tờ báo như New York Times thành công khi kiếm được tiền từ đăng ký của người dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít và làm sao để tạo ra thêm doanh thu vẫn là câu hỏi khó của phần còn lại.

Từ đó, điều bà Francesca Unsworth muốn nói là các tờ báo phải “thay đổi chính bản thân mình” nếu không muốn bị “gạt sang một bên.”

“Chúng tôi đã thay đổi nhiều về cách thức quản lý ví dụ như việc tách riêng các mảng truyền hình, phát thanh từ 20 năm trước. Các phóng viên thường trú của chúng tôi phải làm cả truyền hình và phát thanh. Đó là điều khó vì phóng viên phải học kỹ năng mới,” người phụ nữ đang chỉ đạo hàng nghìn phóng viên trên khắp thế giới nói.

Vị nữ lãnh đạo của BBC World Service Group cũng cho rằng để thích nghi với những thay đổi của báo chí, bên cạnh việc cải tổ phương thức hoạt động và đào tạo liên tục thì cần luôn khích lệ và tưởng thưởng kịp thời cho những đổi mới và sáng tạo của các nhân viên./.

 Bà Francesca Unsworth bắt đầu làm báo từ năm 1980. Từ tháng 12/2014, bà Francesca Unsworth lãnh đạo  BBC World Service Group, hệ thống tin tức thế giới, bao gồm cả BBC World Service, BBC World News Television Channel, BBC.com/news, BBC Monitoring Service, BBC Media Action. 

Hiện nay BBC World Service đã phát trên toàn thế giới bằng 29 ngôn ngữ, đến với 246 triệu người mỗi tuần. Toàn bộ BBC có lượng khán thính giả, độc giả 348 triệu người mỗi tuần trên toàn cầu.