Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khảo sát, tổng hợp tình hình triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước. Việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 bao gồm 6 hạng mục là: (1) Hạ tầng kỹ thuật CNTT; (2) Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; (3) Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); (4) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (5) Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT và (6) Nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Về xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu ở 3 khối: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đứng đầu chỉ số xếp hạng và chỉ số đánh giá ở các lĩnh vực (trong hai năm 2016-2017) gồm: Trang/Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ chế, chính sách và các quy định về ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ; nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ.
Với hạng mục các cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử. Ở hạng mục xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, việc cung cấp dịch vụ công chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.
Hạng mục các tỉnh, thành phố, việc đánh giá, xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố. Nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu gồm: Thừa Thiên Huế; TP Đà Nẵng; Lâm Đồng; Quảng Ninh; TP Hồ Chí Minh; Lào Cai; Khánh Hòa; An Giang; Tiền Giang; Hà Tĩnh. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng 01 trong các tỉnh, thành phố và là tỉnh lần lượt dẫn đầu ở cả 3 khối: các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; và các tỉnh, thành phố.
Website Hệ thống quản lý văn bản và Điều hành tỉnh Lào Cai
Tỉnh Lào Cai xếp hạng thứ 6 - là tỉnh dẫn đầu trong khu vực phía Bắc về mức độ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử. Trong các chỉ số thành phần, Lào Cai tăng hạng ở 2/6 chỉ số. Cụ thể, xếp hạng 2 về chỉ số đánh giá Hạ tầng kỹ thuật CNTT (năm 2016 xếp hạng 21); xếp hạng 3 về chỉ số Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ (năm 2016 xếp hạng 4).
Cùng với các chỉ số thành phần tăng hạng, Lào Cai vẫn còn một số hạn chế, xếp hạng 22 (0,119) về chỉ số đánh giá dịch vụ công trực tuyến trong 63 tỉnh, thành phố. Lào Cai tụt hạng chỉ số đánh giá Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố, xếp hạng thứ 14, giảm 13 bậc so với năm 2016; chỉ số đánh giá Nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, đứng vị trí 12 (năm 2016 đứng thứ 6). Vấn đề đáng quan tâm là xếp hạng về chỉ số đánh giá Website/portal cung cấp, cập nhật thông tin, các chức năng hỗ trợ đứng trong tốp 3 các tỉnh, thành phố (so với năm 2016 đánh giá Website/portal cung cấp, cập nhật thông tin, các chức năng hỗ trợ của tỉnh đứng trong tốp 1 - xếp hạng 10).
Vì những cố gắng vượt bậc trong việc đầu tư, quyết tâm xây dựng, ứng dụng CNTT vì mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, chung sức vì một Chính phủ điện tử hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn, tỉnh Lào Cai cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ đẩy mạnh phát triển hơn nữa việc ứng dụng CNTT và chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với kết quả xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử được công bố, đây là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương nắm được thực trạng, vị trí xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan mình, từ đó có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.