Lào Cai: Ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực an sinh xã hội

10:49 | 04/12/2019

Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực an sinh xã hội luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, đáng chú ý là ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bảo hiểm. Lào Cai là một trong những địa phương đi đầu thí điểm hệ thống liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 20-ĐA/TU về phát triển CNTT giai đoạn 2017- 2020; Chương trình hành động số 218/CTr-TU về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương (khóa 13) về cải cách chính sách ASXH. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về ASXH, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030”. Trong đó nhấn mạnh, mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực ASXH. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 50% - 70% các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người dân qua hệ thống CNTT.

Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về số và thẻ ASXH điện tử, CSDL ASXH; Ứng dụng CNTT trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH; quản lý và cập nhật CSDL về ASXH; Thí điểm cấp số và thẻ an sinh ASXH cho công dân; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT đảm bảo cho việc triển khai hệ thống CSDL quốc gia về ASXH, giải quyết chính sách ASXH, phát triển nhân lực, dịch vụ CNTT gắn với xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.

Triển khai ứng dụng thẻ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH từ 01/01/2019

Đến nay, tỉnh Lào Cai đã triển khai xây dựng hệ thống CSDL dùng chung về ASXH như: Hệ thống quản lý thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội; phần mềm tra cứu thông tin về liệt sĩ, hồ sơ người có công; triển khai có hiệu quả các giao dịch điện tử trong thu - nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; kê khai, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, BHXH; giải quyết chế độ BHXH, BHTN; giám định BHYT; tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHTN, BHYT trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam; lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH; sử dụng dịch vụ công trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.

Đẩy mạnh công tác chi trả dịch vụ ASXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích, phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời đẩy mạnh giao dịch điện tử, chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với Ngân hàng, Bưu điện để đạt được chỉ tiêu thanh toán qua tài khoản cá nhân. Từ ngày 01/10/2019, Lào Cai đã triển khai việc phát hành Thẻ chi trả lương hưu điện tử tại 125 điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của 9/9 huyện, thành phố với tổng số thẻ phát hành là 16.800 thẻ, số tiền chi trả hàng tháng trên 63 tỷ đồng. Các khoản chế độ, trợ cấp được tích hợp trên cùng một thẻ sẽ giúp người hưởng thuận tiện hơn trong việc quản lý, không phải đi nhận tiền nhiều lần tại nhiều điểm chi trả khác nhau. Người hưởng cũng có thể quản lý, theo dõi số tiền và các giao dịch rút tiền trên thẻ thông qua các công cụ như website, điện thoại di động và tại quầy giao dịch của Bưu điện. Đây là những tiện ích nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự thuận tiện nhất cho người dân.

Việc cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, để khai thác và phát huy hiệu quả của hệ thống CSDL này, năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để liên thông việc đăng ký khai sinh với cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tháng 10/2019, hệ thống này được triển khai thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay đã có hơn 15.000 trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT.

Là một trong những địa phương thực hiện triển khai thí điểm, tỉnh Lào Cai đã được Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) từ tháng 5/2019. Hiện Lào Cai đã có hơn 200 trẻ em được cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT hệ thống liên thông này. So với quy trình trước đây, người dân phải trực tiếp đến UBND xã làm khai sinh cho con; Sau đó, UBND xã mới lập hồ sơ chuyển cơ quan liên quan gồm cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, Công an và BHXH huyện để tiến hành cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ BHYT. Với hệ thống liên thông này, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính xã chỉ cần lập hồ sơ trên hệ thống và chuyển ngay đến các cơ quan liên quan giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Hình thức cấp này thật sự có ý nghĩa đối với Lào Cai, một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao vì triển khai liên thông từ cấp xã đến cấp huyện và đến cấp tỉnh, các bộ ngành Trung ương. Đây là hệ thống CSDL bước đầu cho việc hình thành công dân điện tử.

Lào Cai cũng đã kết nối thành công Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh với CSDL Quốc gia về doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thử nghiệm thành công đối với 10 dịch vụ hành chính công tại Sở Công thương để xác thực thông tin doanh nghiệp theo yêu cầu; hệ thống thông tin cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến của Bộ Tư pháp.

Với mục tiêu “Phát triển đồng bộ, tập trung, kết nối liên thông và tương tác, đảm bảo an toàn thông tin, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, quý II/2020, tỉnh Lào Cai dự kiến ra mắt Trung tâm phục vụ hành chính công gắn với Trung tâm điều hành đô thị thông minh, phấn đấu đảm bảo mục tiêu giải quyết 50% - 70% các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người dân qua hệ thống công nghệ thông tin.