Năm nay, Sao Khuê có tới 95 sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu được đề cử, tăng 20% so với năm 2014. Chương trình tiếp tục có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ như FPT, CMC, Harvey Nash, Tinh Vân...
Qua ba vòng thẩm định, kết quả có 52 sản phẩm phần mềm và 15 dịch vụ CNTT tiêu biểu nhất được trao danh hiệu Sao Khuê 2015. Chương trình năm nay ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ, bắt kịp xu thế thời đại của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT. Có nhiều sản phẩm được phát triển thêm cả nền tảng di động, hay được chuyển đổi lên Cloud, tận dụng triệt để sự phát triển bùng nổ của xu thế SMAC thời gian qua. Chẳng hạn, phần mềm quản trị tổng thể nguồn nhân lực HiStaff được đánh giá cao khi vận hành trên nền tảng công nghệ web mới nhất, cho phép truy xuất trên các thiết bị di động, giúp việc cho việc triển khai ở quy mô lớn trở nên dễ dàng.
Giải pháp "Vé - Ví điện tử" đã vượt qua gần 100 sản phẩm và dịch vụ CNTT khác để trở thành giải pháp duy nhất được xếp hạng Sao Khuê 5 sao năm nay. Sản phẩm của Công ty cổ phần Thông minh MK (MK Smart) được đánh giá cao về khả năng dễ tích hợp, bảo mật cao và hơn hết là đem lại lợi ích chung cho xã hội và cộng đồng. Theo các chuyên gia trong hội đồng thẩm định Sao Khuê, Vé - Ví điện tử cho vận tải công cộng có thể dùng song song với các giải pháp đang tồn tại (như vé giấy) nên dễ dàng triển khai thí điểm, không đòi hỏi kinh phí tức thời và gây xáo trộn cho cộng đồng người dùng.
Giải pháp này có khả năng thay thế hoàn toàn vé giấy (vé tàu, vé xe bus...), đồng thời đóng vai trò như một ví điện tử dùng để thanh toán, giao dịch. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận định: "Sản phẩm Sao Khuê xếp hạng 5 sao năm nay mang tính xã hội cao, phục vụ cộng đồng, xã hội. Hơn nữa, Vé - Ví điện tử có thể sử dụng ở Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế, thực sự xứng đáng được công nhận là Sao Khuê xuất sắc của năm". Giải pháp tiện ích thanh toán này còn giúp làm giảm nạn gian lận trong việc sử dụng vé giấy, gây thất thu cho ngân sách nhà nước vì Vé - Ví điện tử được vận hành tự động bằng máy và lịch sử giao dịch được lưu lại.
Phần mềm trong lĩnh vực quản lý dành cho các doanh nghiệp lớn cũng có sự gia tăng về số lượng (7 sản phẩm so với 3 trong năm 2014). Các sản phẩm, dịch vụ ERP của Việt Nam có sự cải tiến, phát triển phù hợp với đặc thù kinh doanh trong nước mà những hệ thống của nước ngoài không thể đáp ứng được. Ông Trần Bá Kim Ngọc, Giám đốc Công ty Meliasoft, một trong những đơn vị nhận Danh hiệu Sao Khuê 2015, cho biết: "Khi nền kinh tế dần hồi phục, các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư cho những hệ thống quản lý hiện đại, phù hợp với quy mô và đặc thù kinh doanh. Những hệ thống ERP dành cho người Việt, do người Việt phát triển đang tỏ ra vượt trội hơn sản phẩm ngoại nhập do sự linh hoạt và mềm dẻo của hệ thống. Những sản phẩm nội tích hợp KPI sẽ trở thành xu thế lựa chọn tại thị trường phần mềm quản lý doanh nghiệp lớn".
Bên cạnh đó, các giải pháp cho ngành bán lẻ Việt Nam cũng đang rất được quan tâm, nhưng hiện nay mức độ triển khai phần mềm bán hàng tại doanh nghiệp, cửa hàng lại chưa thực sự phổ biến. Kết quả khảo sát trên 1.000 khách hàng của giải pháp thiết kế website Bizweb cho thấy, tỷ lệ sử dụng phần mềm bán hàng ở các cửa hàng, shop online chỉ chiếm 23,8% (dù số tiền cho một phần mềm như vậy chỉ khoảng vài trăm nghìn mỗi năm), còn lại vẫn đang quản lý theo phương thức truyền thống sổ sách hoặc Excel. "Phần mềm bán hàng là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nó nhưng tiềm năng trong tương lai khá lớn", ông Cát Văn Khôi, trưởng dự án Giải pháp quản lý bán hàng Sapo của Công ty DKT, cho hay.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA kiêm Trưởng ban Tổ chức Chương trình Sao Khuê 2015, chương trình năm nay phản ánh sự nhạy bén và chủ động của các doanh nghiệp tham gia Sao Khuê nói riêng cũng như ngành CNTT nói chung trong việc đón bắt sự chuyển động của các chính sách vĩ mô cũng như của thị trường, thể hiện thông qua sự xuất hiện và gia tăng mạnh mẽ số lượng các sản phẩm, giải pháp phần mềm ứng dụng trong việc giải quyết các vấn đề nóng của xã hội như y tế, giáo dục, hành chính công, phát triển nông nghiệp.
Danh hiệu Sao Khuê được VINASA tổ chức thường niên từ năm 2003, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Mục đích của chương trình là chọn lựa, xếp hạng, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu, định hướng thị trường và người sử dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.