Trend Micro gọi chiến dịch này là Chiến dịch Tin tức độc hại. Trong chiến dịch này, tại 4 diễn đàn mà cư dân Hồng Kông thường xuyên sử dụng, một số liên kết tin tức tại đây có chứa một iframe ẩn thực thi mã độc, khai thác lỗ hổng trong trên hệ điều hành iOS phiên bản 12.1 và 12.2.
“Các bài báo độc hại được đăng lên bởi những tài khoản mới được đăng ký trên diễn đàn. Điều này khiến chúng tôi tin rằng những bài đăng này không được tạo bởi người dùng chính thống chia sẻ lại các liên kết mà họ cho là hợp pháp”, Trend Micro cho biết.
Các chủ đề để đánh lừa nạn nhân thường liên quan đến nội dung nhạy cảm, tiêu đề giật gân hoặc tin tức liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, tin tặc đã sao chép một trang web hợp pháp và chèn vào một iframe độc hại. Việc phát tán liên kết đến các trang web độc hại bắt đầu từ ngày 02/01/2020.
Chuỗi khai thác bao gồm một lỗ hổng Safari không có định danh CVE và một khai thác nhân tùy chỉnh liên quan đến lỗ hổng CVE-2019-8605. Cuối cùng, tải payload phần mềm gián điệp LightSpy có thể kiểm soát thiết bị nạn nhân hoàn toàn, lấy dữ liệu GPS, tin nhắn SMS, lịch sử duyệt web, danh bạ và nội dung từ các ứng dụng nhắn tin (Telegram, QQ và WeChat).
Một chiến dịch tương tự cũng đã được phát hiện vào năm 2019, nhắm mục tiêu các thiết bị Android, sử dụng phần mềm gián điệp có tên là dmsSpy. Các chuyên gia đánh giá, hai chiến dịch này được cho là có sự liên kết với nhau.
Thiết kế và chức năng của chiến dịch này cho thấy nó không nhắm vào nạn nhân cụ thể, mà tấn công với mục tiêu diện rộng, từ đó theo dõi và cài cửa hậu vào thiết bị. Trend Micro từ chối đưa ra ý kiến về nơi bắt nguồn thực hiện chiến dịch này.