Liên minh châu Âu EU đề xuất thành lập hội đồng chuyên gia toàn cầu quản lý trí tuệ nhân tạo

08:20 | 26/09/2023

Ngày 13/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi thành lập một hội đồng toàn cầu gồm các chuyên gia và đại diện công ty công nghệ để giải quyết những thách thức do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra.

Chính phủ các nước trên thế giới đang đối mặt với bài toán khó là làm thế nào để kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn của AI đối với xã hội mà không kiềm chế sự đổi mới, sáng tạo. Liên minh châu Âu (EU) cũng lo ngại tác động của công nghệ này đối với các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào năm tới.

Phát biểu tại một cuộc họp của EP ở Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ursula von der Leyen cho biết, hàng trăm nhà phát triển, học giả và chuyên gia hàng đầu gần đây đã cảnh báo về những rủi ro từ AI, bên cạnh các rủi ro khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân và kêu gọi ưu tiên giải quyết rủi ro từ AI trên quy mô toàn cầu.

Bà đề xuất thành lập hội đồng chuyên gia AI toàn cầu với cơ chế hoạt động tương tự như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, đưa ra các báo cáo dựa trên nghiên cứu khoa học, để đánh giá những rủi ro và lợi ích của AI đối với nhân loại. Quan chức này nhấn mạnh, việc thành lập một hội đồng chuyên gia toàn cầu về AI sẽ giúp đưa ra những phản ứng nhanh và có tính phối hợp trên quy mô toàn cầu.

EU đang đi đầu trong nỗ lực quản lý AI và dự kiến sẽ thông qua dự luật đầu tiên trên thế giới về quản lý công nghệ này vào cuối năm nay. Chủ tịch Ursula von der Leyen cho biết, EU có kế hoạch làm việc với các công ty AI để họ tự nguyện cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Đạo luật AI trước khi đạo luật có hiệu lực từ năm 2026.

Trước đó, vào tháng 6 năm nay, các nghị sĩ Liên minh châu Âu đã thông qua văn bản chủ chốt làm nên bộ luật quản lý các hệ thống trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Văn bản được các nghị sĩ EU phê chuẩn hướng tới hai việc: một mặt quản lý các ứng dụng AI, ví dụ như ChatGPT, mặt khác vẫn tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ AI. Nghị viện châu Âu phải đàm phán với 27 nước thành viên EU để luật ra đời, mục tiêu là vào cuối năm nay.

Luật này sẽ quản lý AI theo các mức độ rủi ro, theo đó, rủi ro với quyền hoặc sức khỏe của con người càng cao thì các hạn chế được áp đặt càng mạnh. Các ứng dụng được đề xuất là rủi ro cao nhất bao gồm các ứng dụng trong các hạ tầng thiết yếu, giáo dục, nguồn nhân lực, trật tự công cộng và quản lý di cư.