Để khai thác tốt cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế.
Sau một tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Nam... đã có 15 nghìn trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế.
Như quy trình truyền thống, người dân muốn làm khai sinh cho con sẽ đến UBND xã, sau đó, UBND xã mới lập hồ sơ chuyển cơ quan liên quan gồm: Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, Công an và BHXH huyện qua đường Bưu điện để tiến hành cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ BHYT. Nhưng giờ đây, qua Hệ thống liên thông dữ liệu, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính xã chỉ cần lập hồ sơ trên Hệ thống và chuyển ngay đến các cơ quan liên quan. Điều này giúp thông tin đồng bộ giữa các đơn vị; tốc độ nhanh (do không phải phụ thuộc vào bưu điện, bộ phận văn thư…) và thuận tiện cho việc trao đổi, giải quyết TTHC được nhanh chóng, chính xác.
Việc kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (phạm vi đến cấp phường/xã) với Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Bảo hiểm (phạm vi đến cấp quận/huyện) là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương so với năm 2018.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.