SaaS là một dạng điện toán đám mây mà phần mềm thay vì cài đặt trên máy tính của bạn thì nó được phân phối thông qua mạng Internet. Phần mềm ứng dụng phổ biến nhất được công nhận là Customer Relationship Management (CRM). Năm 2010, 26% chi tiêu cho CRM dạng SaaS, dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng lên 33%.
IaaS là một dạng điện toán đám mây mà doanh nghiệp thuê không gian trong một trung tâm tích hợp dữ liệu và sử dụng máy chủ của họ thay vì mua phần cứng mới để hoạt động kinh doanh. Một ví dụ thường thấy của IaaS là dịch vụ lưu trữ website. Có thể bạn cũng đã nghe nói đến thuật ngữ “đám mây công cộng” (public cloud) hoặc “đám mây nội bộ” (private cloud). Nói một cách đơn giản, public cloud là nơi các tài nguyên chia sẻ được dùng bên ngoài tổ chức và được phân phối qua Internet. Private cloud là cách bạn xây dựng kiến trúc chia sẻ trong công ty mình và phân phối dịch vụ qua mạng nội bộ đến người dùng trong công ty mà không cài đặt phần mềm trên các thiết bị cá nhân của họ.
Bắt đầu từ điện toán đám mây
Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu công việc kinh doanh được khoảng 10 năm có thể không nhận ra rằng kinh doanh của họ đã bắt đầu trong điện toán đám mây, ví dụ thư điện tử và website.
Khi doanh nghiệp bắt đầu việc kinh doanh, điều nghĩ đến đầu tiên là công nghệ thông tin, sau khi mua máy tính, có thể là tạo một địa chỉ thư điện tử, kế tiếp là tạo một trang web.... Trang bị một máy chủ thường không nằm trong danh sách được xem xét và thực tế 90% doanh nghiệp nhỏ không có máy chủ. Vậy những doanh nghiệp này dùng dịch thư điện tử và website hosting ở đâu? Thường thì nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tính nó là một phần của gói dịch vụ. Đây là những ứng dụng đơn giản, tài nguyên chia sẻ được phân phối qua public cloud và là cơ sở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi kinh doanh phát triển, doanh nghiệp thực sự có nhu cầu phải mua máy chủ chuyên dụng để đóng vai trò máy chủ thư điện tử, thậm chí máy chủ web của doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp nhỏ mới kinh doanh thường bắt đầu từ đám mây điện toán, sau đó mở rộng ra khỏi đám mây. Và khi công việc kinh doanh thành công và tăng trưởng hơn nhu cầu lại đưa họ trở về đám mây. Nhu cầu mở rộng và tính linh hoạt cùng với kiểm soát chi phí gia tăng đòi hỏi chủ doanh nghiệp nhỏ phải tìm kiếm giải pháp IT thay thế.
Trong vài năm qua dịch vụ điện toán đám mây đã phát triển đến mức hầu hết các nhà cung cấp phần mềm đã phát triển và cung cấp các ứng dụng của họ như một dịch vụ. Chẳng hạn như các sản phẩm điện toán đám mây từ SageTM, IntuitTM và MYOBTM. Hoặc bản mở rộng của MicrosoftTM bao gồm Office365 và bộ platforms dành cho bộ phần mềm hợp tác và liên lạc của họ.
Một số công ty lấy điện toán đám mây làm hướng đi chính như SalesForceTM.com. Khi khối lượng công việc cho GoogleTM và các dịch vụ Google AppsTM tăng lên, có thể thấy rõ định hướng và sự tiến triển của doanh nghiệp nhỏ là đang quay trở lại điện toán đám mây.
Những lập luận phản đối việc chấp nhận điện toán đám mây đưa ra những khó khăn liên quan tới các vấn đề: bảo mật dữ liệu, tính sẵn sàng của các tài nguyên, tốc độ băng thông, chi phí và độ tin cậy.
Tính sẵn sàng của tài nguyên
Khi doanh nghiệp nhỏ dùng dịch vụ thư điện tử và web hosting của ISP, lúc đầu, có thể họ chưa quan tâm dịch vụ thư điện tử có sẵn sàng hay không. Nhưng sau khi đã trải nghiệm, hệ thống thư điện tử hoạt động chậm hoặc không sẵn sàng do máy chủ quá tải, doanh nghiệp lại lo rằng nếu sử dụng điện toán đám mây họ sẽ phải đối mặt với “thời gian chết” nhiều hơn vì không kiểm soát được nó.
Thông thường doanh nghiệp trang bị một máy chủ đơn, thực hiện các dịch vụ chạy thư điện tử, website, lưu trữ tập tin, sao lưu, quản lý an ninh, các gói ứng dụng về tài chính và kế toán,... và có thể được quản lý bán thời gian bởi một nhân viên không được huấn luyện IT. Điều này đồng nghĩa với việc máy chủ sẽ có thời gian chết và vận hành bất ổn hơn nhiều so với một ứng dụng được phân phối an toàn trên Internet, được lưu trữ trên một máy chủ cho thuê với các công nghệ mới nhất, được quản lý và duy trì 24/7 bởi các chuyên gia IT.
Đó là chưa tính đến vấn đề có thể xảy ra trên máy chủ cục bộ của doanh nghiệp khi một nhà cung cấp ứng dụng cập nhật phần mềm của họ. Nếu phần mềm đó không tương thích với các ứng dụng khác đã cài trên hệ thống thì việc kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị đình trệ. Còn các dịch vụ điện toán đám mây làm việc độc lập vì vậy vấn đề xung đột cập nhật phần mềm không còn là vấn đề khó khăn.
Các loại ứng dụng được phân phối thông qua đám mây được sử dụng do tính sẵn sàng. Nhiều ứng dụng có bộ nhớ đệm offline, nghĩa là một bản sao có thể được lưu trữ cục bộ và sau đó đồng bộ hóa khi kết nối trực tuyến. Vì vậy ngay cả khi không có sẵn Internet, chúng vẫn có thể tiếp tục hoạt động.
Bảo mật thiết bị đầu cuối (ví dụ như sản phẩm quét virus trên máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy chủ) là một ứng dụng với quan điểm hướng vào điện toán đám mây. Thành phần quản lý và cơ sở dữ liệu về các mối đe dọa được lưu trữ trong đám mây. Bộ quét virus vẫn nằm ở máy cục bộ, vì thế nếu kết nối không sẵn sàng thì máy quét vẫn có thể bảo vệ hệ thống chống lại các mối đe dọa ở mạng nội bộ. Tuy nhiên hơn 90% các mối đe dọa ngày nay đều thông qua Internet, không có kết nối thì trên lý thuyết bạn đã an toàn tới 90%.
Chi phí - Tốc độ - Hiệu suất
Đối với nhiều thị trường khu vực đã phát triển, mối quan tâm về chi phí so với tốc độ hoặc hiệu suất không nhiều. Tuy nhiên, tại Châu Á, Úc, New Zealand, một phần Đông Âu và Châu Mỹ, chi phí và tốc độ truy cập lượng lớn thông tin qua lại trên Internet là những mối quan tâm nhất.
Một bài viết gần đây trên ZDNet Asia cho biết: “doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm nhiều đến khả năng sẵn sàng của dịch vụ”, và các “vấn đề liên quan đến đám mây như bảo mật, quyền sở hữu dữ liệu và bảo mật dữ liệu”.
Mặc dù điều lo lắng này đúng đối với nhiều ứng dụng, doanh nghiệp nhỏ cũng không nên bác bỏ điện toán đám mây hoàn toàn dựa trên những lý do này. Khi các ứng dụng như website hosting, mail server hosting, chống virus và bảo mật máy tính được chuyển cho đám mây, nó có thể giải phóng các nguồn tài nguyên trên hệ thống mạng của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là hoạt động của các công cụ còn lại của doanh nghiệp tốt hơn.
Trong bao lâu thì người chủ doanh nghiệp nhỏ cần đăng nhập vào giao diện quản lý hệ thống an ninh của họ? Cần phải thừa nhận rằng cảnh báo thư điện tử hàng ngày và báo cáo hàng tuần có lẽ là đủ. Nếu so sánh một thư điện tử đi qua máy chủ trên Internet với máy chủ cục bộ thì nó di chuyển cùng khoảng cách và cùng tốc độ khi truyền trên đường thông tin (trừ các email nội bộ).
Dữ liệu của doanh nghiệp có thật sự an toàn?
Bảo mật dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu đối với nhà cung cấp dịch vụ. Một số quốc gia có quy định chi phối việc lưu trữ và truyền tải thông tin bí mật, không quan tâm nơi hoạt động kinh doanh của khách hàng ở đâu.
Một vài doanh nghiệp cũng quan tâm đến vị trí của trung tâm tích hợp dữ liệu. Nó nằm trong nội bộ doanh nghiệp hay ở quốc gia xa xôi có chi phí thấp mà sự quản lý của chính phủ và cơ sở hạ tầng không xác định rõ?
Đây là một sự lo lắng rất hợp lý. Doanh nghiệp khó có thể biết chính xác dữ liệu của họ được lưu trữ ở đâu? Để nhà cung cấp dịch vụ thường trực, luôn sẵn sàng, cần nhiều trung tâm dữ liệu có tính sẵn sàng cao và khả năng chịu lỗi cao. Vì vậy nếu có điều gì xảy ra với một máy chủ, máy chủ khác có thể phải tăng khối lượng công việc. Để làm được điều này, dữ liệu của bạn được lưu trữ và chia sẻ trên nhiều địa điểm, thậm chí nhiều quốc gia khác nhau.
Doanh nghiệp nên yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cho biết chi tiết về trung tâm dữ liệu sơ cấp, thứ cấp của họ và kế hoạch dự phòng nếu có. Điều này có thể giúp doanh nghiệp biết dữ liệu của mình có được lưu trữ hay không. Sau đó doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên mức độ tin tưởng vào nhà cung cấp về tính sẵn sàng và góc độ an ninh.
Lộ trình doanh nghiệp nhỏ đến với điện toán đám mây thực sự là con đường vòng, doanh nghiệp cần lưu tâm điều này khi quyết định đầu tư CNTT.