Theo luật An toàn mạng mới của Trung Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến không được phép tự thu thập hoặc bán thông tin của người dùng cho bên thứ 3. Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của các hãng trong và ngoài nước sẽ phải đánh giá độ an toàn với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn. Việc sử dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng cấm và các giao dịch lừa đảo khác là bị cấm. Người dân được quyền yêu cầu xóa thông tin cá nhân. Người dùng cá nhân phải đăng ký bằng tên thật để sử dụng dịch vụ tin nhắn.
Hơn hết, luật An toàn mạng mới của Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới cách thức hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Luật yêu cầu các công ty phải lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Trung Quốc, và phải được cho phép trước khi gửi dữ liệu ra nước ngoài. Các công ty tài chính và truyền thông phải thường xuyên được kiểm tra an ninh.
Luật An toàn mạng mới của Trung Quốc gây ra nhiều tranh cãi
Theo các chuyên gia, từ ngữ của điều luật khá mơ hồ, cách thực thi cũng không rõ ràng, khiến các doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Điều luật chưa cụ thể về một số định nghĩa như “hạ tầng cơ sở thông tin quan trọng” hay “hoạt động dựa trên hệ thống mạng” (cũng có thể đề cập đến những cá nhân với nhiều máy tính kết nối với nhau).
Các doanh nghiệp nước ngoài thường hoạt động theo múi giờ quốc tế. Hiệu quả hoạt động sẽ giảm sút nếu phải lưu trữ dữ liệu trên máy chủ tại Trung Quốc, và chỉ được gửi đi nước ngoài khi được phép. Trong khi đó, truyền tải dữ liệu là quá trình vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Điều luật cũng gây nguy hại tới tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài khi phải tiết lộ dữ liệu, thông tin mật, thậm chí mã nguồn phần mềm đối với nhà nước Trung Quốc, mà không được đảm bảo bí mật.
Yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại các máy chủ ở Trung Quốc và những nơi khác sẽ tăng phân mảnh và chi phí cho các doanh nghiệp, đặt ra cho các công ty nước ngoài một khối lượng công việc không hề nhỏ để cơ cấu lại việc kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đủ khả năng chi trả và hoạt động, thậm chí có thể sẽ phải ngừng hoạt động tại Trung Quốc.
Ngược lại, theo Susan Ning của hãng luật Trung Quốc King & Wood Mallesons, các hãng nước ngoài nên làm quen với điều luật này, vì luật An toàn mạng của châu Âu còn chặt chẽ hơn. Trung Quốc cũng cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống pháp luật về an toàn mạng khi đang phải đối mặt với sự phát triển quá mạnh mẽ của các mối nguy hại trên internet.
Điều luật này khiến những công ty nội địa có lợi thế hơn hẳn, như Huawei và Lenovo – các hãng máy chủ Trung Quốc, hay Tencent và Alibaba – đang tập trung đẩy mạnh dịch vụ đám mây. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng không tránh khỏi việc phải giảm thiểu hoạt động quốc tế.