Luật Cơ yếu- cơ sở pháp lý quan trọng trong lĩnh vực Bảo mật và An toàn thông tin

16:02 | 06/10/2008

Hoạt động Cơ yếu là hoạt động có tính chất cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh

Với mục đích giúp bạn đọc có thêm thông tin về dự án Luật Cơ yếu, Tạp chí ATTT đã có buổi phỏng vấn đ/c Nguyễn Chiến – Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo Luật Cơ yếu xung quanh vấn đề này.

Thưa đồng chí, tại sao việc triển khai xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay?
Đ/c Nguyễn Chiến: Bảo đảm bí mật và an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp luôn là đòi hỏi khách quan và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ khi ngành Cơ yếu được thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với công tác Cơ yếu. Trong đó, Pháp lệnh Cơ yếu (ban hành năm 2001) là văn bản có tính pháp lý cao nhất để điều chỉnh hoạt động Cơ yếu và có tác động tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển ngành Cơ yếu cũng như đối với hoạt động bảo mật và an toàn thông tin (BM&ATTT) cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghệ thông tin - truyền thông có những bước phát triển vượt bậc như hiện nay, nhu cầu BM&ATTT ngày càng lớn và mở rộng ra nhiều đối tượng; các hoạt động liên quan tới BM&ATTT phát triển ngày càng đa dạng, phong phú. Do đó, Pháp lệnh Cơ yếu đã bộc lộ một số bất cập như: phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và áp dụng với các tổ chức thuộc các cơ quan của Đảng và Nhà nước, còn hoạt động mật mã trong lĩnh vực bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước (hay còn gọi là mật mã dân sự) mới được điều chỉnh ở mức Nghị định của Chính phủ nên chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động mật mã trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhận thức về tầm quan trọng của BM&ATTT và việc tuyên truyền phổ biến về Pháp lệnh còn hạn chế, nên việc thực thi Pháp lệnh cũng như các quy định về BM&ATTT ở một số nơi chưa được thống nhất và đầy đủ.
Bên cạnh đó, một số chủ trương của Đảng và nhà nước về lĩnh vực BM&ATTT, đặc biệt là đối với công tác Cơ yếu trong thời kỳ mới chưa được thể chế hóa đầy đủ. Một số văn bản pháp luật mới được ban hành như Luật An ninh Quốc gia, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin... có điều chỉnh một số hoạt động liên quan tới BM&ATTT nhưng các quy định này còn chưa đầy đủ và thống nhất.
Thực tiễn hoạt động BM&ATTT tại Việt nam  và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế  cũng đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động trong lĩnh vực này.
Các vấn đề bất cập nêu trên cần được giải quyết bằng cách quy định một cách toàn diện, thống nhất trong một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý ở mức cao. Vì vậy, việc xây dựng Luật Cơ yếu là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và đây sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng trong lĩnh vực BM&ATTT tại Việt Nam.
Vậy Luật Cơ yếu được xây dựng theo những quan điểm nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Chiến: Để đáp ứng các vấn đề nêu trên, Luật Cơ yếu được xây dựng với một số quan điểm cơ bản sau:
Một là, phải thế chế hoá được đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành các quy định pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động Cơ yếu và hoạt động mật mã dân sự bảo đảm bí mật và an toàn thông tin cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Hai là, phải đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện để phát triển hoạt động mật mã bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước và thông tin kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực mật mã để bảo vệ thông tin.
Ba là, bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ, khả thi của văn bản Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Bốn là, những vấn đề liên quan tới hoạt động Cơ yếu thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì quy định trong Luật chỉ mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn Luật. Những vấn đề liên quan tới hoạt động mật mã dân sự cần được quy định rõ ràng, minh bạch để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.
 Như vậy phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật sẽ có những điểm  mới và mở rộng hơn Pháp lệnh Cơ yếu?
Đ/c Nguyễn Chiến: Luật Cơ yếu là cơ sở pháp lý để thực thi chính sách mật mã quốc gia. Luật sẽ điều chỉnh hai lĩnh vực chính là hoạt động Cơ yếu và hoạt động mật mã dân sự. Luật  Cơ yếu sẽ quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ mở rộng hơn Pháp lệnh Cơ yếu. Đối tượng chịu tác động của Luật là tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến hoạt động Cơ yếu và hoạt động mật mã dân sự.
Với phạm vi tương đối rộng như vậy, nội dung của Luật Cơ yếu sẽ đề cập tới những vấn đề gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Chiến: Luật Cơ yếu là luật chuyên ngành, dự kiến sẽ được xây dựng theo phương án luật khung, bao gồm các vấn đề chính sau:
Thứ nhất, thể hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Cơ yếu và điều chỉnh hoạt động Cơ yếu. Chính sách của Nhà nước về hoạt động Cơ yếu là một bộ phận của chính sách quốc phòng - an ninh. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ mật mã, phát triển các nguồn lực liên quan đến hoạt động Cơ yếu, xây dựng lực lượng Cơ yếu - lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong hoạt động bảo vệ thông tin bằng mật mã, tạo điều kiện đẩy mạnh sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Hoạt động Cơ yếu quy định trong luật chỉ mang tính nguyên tắc, được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cơ yếu và đồng bộ với các văn bản pháp luật trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Các nội dung điều chỉnh cụ thể sẽ được quy định trong các văn bản hướng dẫn luật và không phổ biến công khai để phù hợp với đặc thù của hoạt động Cơ yếu.
Thứ hai, thể hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động mật mã dân sự và điều chỉnh hoạt động mật mã dân sự. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật theo nhu cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động mật mã dân sự theo quy định của pháp luật,  khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực tương đối nhạy cảm nên cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng mật mã làm phương hại tới lợi ích quốc gia và lợi ích của các tổ chức, cá nhân. Các yêu cầu quản lý ở đây phải được quy định công khai, minh bạch nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Luật cũng quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động Cơ yếu và hoạt động mật mã dân sự. Các hoạt động này đều do Chính phủ thống nhất quản lý. Cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm kỹ thuật, nghiệp vụ chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Đảng, Ủy ban nhân dân các cấp... để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo trách nhiệm được phân công.
Xin đồng chí cho biết, đến nay Dự án Luật đã triển khai đến giai đoạn nào?
Đ/c Nguyễn Chiến: Dự án Luật Cơ yếu do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo và đã được đưa vào chương trình các dự án luật trình Quốc hội khóa XII thông qua vào kỳ họp năm 2009. Đây là một luật chuyên ngành, nội dung đề cập tới nhiều vấn đề tương đối mới nên trong quá trình soạn thảo, Dự án cần được sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan của Quốc hội và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài ngành Cơ yếu. Theo kế hoạch, Ban soạn thảo đang tiếp tục chuẩn bị Dự thảo Luật và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Những công việc này đang được tiến hành theo đúng quy trình thực hiện dự án Luật một cách sức khẩn trương để đáp ứng tiến độ đã đề ra. 
Xin cám ơn đồng chí!