Lực lượng Chiến tranh tâm lý: Lưỡi dao tấn công của thời đại Internet

14:26 | 10/12/2015

Uy hiếp vũ lực, ngoại giao ôn hòa, tuyên truyền thông tin, phát tán truyền đơn, gây nhiễu điện tử... là những “điệp khúc” thường xuất hiện trong chiến tranh tâm lý hiện đại. Khi Internet xuất hiện, chiến tranh tâm lý bước vào không gian ảo, các nước phương Tây thông qua các trang mạng xã hội để thúc đẩy “Cuộc cách mạng màu”, các tổ chức khủng bố cũng thông qua trận địa này để “chiêu binh mã”. Theo thông tin của báo chí, Quân đội Anh đã thành lập lực lượng chuyên trách tiến hành chiến tranh tâm lý trên mạng (Lữ đoàn 77), đồng thời gọi nó một cách hình tượng là “lực lượng Facebook”. Hiện nay, nhiều nước đã và đang bắt tay xây dựng lực lượng chiến tranh tâm lý của mình.



Lữ đoàn 77 Quân đội Anh


Việc Quân đội Anh xây dựng lực lượng Tâm lý tác chiến mạng không phải là ngẫu nhiên. Từ năm 2011, trong phương án cải cách quân đội, “Quy hoạch quân đội 2020” của Bộ Quốc phòng Anh đã xác định sẽ thành lập Nhóm hỗ trợ An ninh (Security Assistance Group - SAG) để hỗ trợ cho tình hình chống khủng bố của châu Âu. Một số thông tin và phiên hiệu về lực lượng này đã được công bố trong “Sách trắng quốc phòng” của Anh (tháng 1/2015).

Lữ đoàn 77 hiện nay đã có trên 400 binh sỹ và nhân viên, đồng thời đã triển khai công việc dưới sự điều hành và phối hợp của Văn phòng Ngoại vụ và Liên lạc (Bộ Quốc phòng) và Bộ Phát triển quốc tế. Tháng 4/2015, lữ đoàn này đã hoàn thành việc xây dựng lực lượng với tổng quân số gần 1.000 người, trong đó có 440 quân nhân tại ngũ (chiếm 42% tổng biên chế). Trong “Sách trắng quốc phòng” còn đề cập đến 5 cơ quan cấp dưới của lực lượng này, bao gồm: Cơ quan chính (Tổng bộ), Ban Vận hành truyền thông, Ban Xây dựng năng lực an ninh, Nhóm Tác chiến chiến tranh tâm lý 15, Ban Chi viện ổn định quân sự (phụ trách duy trì ổn định và cảnh báo sớm nguy cơ). Trong đó, Nhóm Tác chiến chiến tranh tâm lý 15 vốn thuộc Lữ đoàn tình báo số 1, đã từng phát huy vai trò trong cuộc chiến tranh tại Libya.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Anh xác nhận, họ sẽ nhanh chóng tuyển dụng những người có tài năng gia nhập đội quân này từ lực lượng tại ngũ, lực lượng dự bị và từ các lĩnh vực xã hội khác có liên quan. Những người đã được tuyển dụng phải có kiến thức về cách thức truyền bá thông tin và truyền thông mạng xã hội, sử dụng thành thạo các trang mạng xã hội như facebook, twitter, weibo... để thu thập thông tin tình báo và nắm bắt được các động thái mới nhất của các tổ chức khủng bố. Họ không cần phải ra mặt trận để trực tiếp chiến đấu, mà ở trong nước, lấy Internet làm “căn cứ”, thông qua mạng Internet và truyền thông mạng xã hội, tiến hành hoạt động chiến tranh tâm lý phục vụ quân đội Anh. Theo cách nói của tờ The Guardian, Lữ đoàn 77 sẽ là “tiếng nói đại diện” cho chính phủ Anh, tiến hành tuyên truyền mạnh mẽ trên Internet và trong mạng xã hội. Người phát ngôn quân đội Anh nói: “Sáng kiến thành lập Lữ đoàn này là để đối phó với những thách thức của xung đột và chiến tranh hiện đại. Bởi vì trong chiến tranh hiện đại, sử dụng phương thức không đổ máu cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của người khác”.

Theo phân tích của Bộ Quốc phòng Anh, thách thức chủ yếu trong tương lai của quân đội Anh xuất phát từ chủ nghĩa khủng bố. Mạng xã hội với vai trò là một công cụ để các nước phương Tây tổ chức chiến trường tác chiến, chủ yếu nhằm phát động các cuộc cách mạng màu, nhưng giờ đây nó cũng đã trở thành nơi các tổ chức khủng bố, tiêu biểu là các tổ chức Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo... tuyển dụng lực lượng, tuyên truyền, thậm chí là nơi tác chiến, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các nước khác. Do vậy, Lữ đoàn 77 coi chiến trường tác chiến chủ yếu là mạng xã hội.

Từ phiên hiệu thấy rằng, quân đội Anh đặt hy vọng rất cao vào lực lượng tác chiến tâm lý này. Trong lịch sử chiến tranh của Quân đội Anh, Lữ đoàn bộ binh Ấn Độ số 77 là điểm sáng duy nhất tại chiến trường Ấn Độ - Miến Điện đầy ác mộng của Anh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Truyền thông Anh cho rằng, lực lượng chiến tranh tâm lý mới thành lập được tiếp tục kế thừa phiên hiệu “77” này, nhằm ca ngợi “tinh thần tác chiến bất khuất với quân Nhật một cách đầy trí tuệ” trong rừng rậm âm u ở khu vực Đông Nam Á của quân Anh những năm đó.

Lực lượng chiến tranh tâm lý của Mỹ 

Vào đầu Thế kỷ 21, quân đội Mỹ đã thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến điều khiển học, thống nhất quản lý việc tấn công, phòng thủ không gian mạng. Sau đó, cùng với việc nâng cao vai trò chiến lược của chiến tranh tâm lý và sự phát triển của kỹ thuật thông tin, Mỹ đã tăng thêm quân số của lực lượng chiến tranh tâm lý thường trực và dự bị, nhằm nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng này trong các cuộc xung đột cường độ cao và cường độ trung bình trong tương lai. Theo tính toán, số nhân viên làm việc có liên quan đến chiến tranh tâm lý và tác chiến thông tin của quân Mỹ có gần 100 nghìn người.

Để đáp ứng nhu cầu của chiến trường thông tin trong tương lai, quân đội Mỹ đã trang bị cho lực lượng chiến tranh tâm lý các thiết bị thông minh hóa, bao gồm cả máy bay tuyên truyền chiến tranh tâm lý không người lái, đồng thời còn có kế hoạch từng bước đưa một số kỹ thuật mới (kỹ thuật mô phỏng ngôn ngữ, kỹ thuật mô phỏng hiện thực, kỹ thuật laze, kỹ thuật sao chép, tàng hình…) vào trong thực chiến của chiến tranh tâm lý trên mạng thông tin và mạng xã hội, để nâng cao hiệu quả chiến tranh tâm lý trên mạng. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn xây dựng hệ thống chỉ huy tình báo tự động sử dụng cho chiến tranh tâm lý, để đánh giá, xác định tính hiệu quả của chiến tranh và thành lập Bộ Tư lệnh chiến lược ngôn ngữ quốc phòng vào đầu thế kỷ 21. Đây được xem là một trong những biện pháp quan trọng mà quân Mỹ lựa chọn để triển khai chiến tranh tâm lý trên mạng.

Hành động của Nga, Đức và một số nước khác

Trên thực tế, ngoài Mỹ và Anh, các nước như Nga, Đức, Triều Tiên... hoặc bí mật hoặc công khai tổ chức lực lượng chiến tranh tâm lý trên mạng.

Từ đầu Thế kỷ 21, Nga đã thành lập lực lượng thông tin mạng có tài năng và rất giỏi, gồm nhiều người có khả năng trong lĩnh vực chiến tranh thông tin, thông qua các thủ đoạn tấn công mạng để triển khai tấn công từ xa, thu thập thông tin tình báo, phòng thủ mạng.... Cùng với việc các nước phương Tây thông qua các trang mạng xã hội phát động cuộc cách mạng màu ở khu vực Đông Âu, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Ukraina lan rộng, nhiệm vụ phòng thủ và phản công của lực lượng này ngày càng nặng nề hơn.

Chính phủ Ukraina cũng triển khai biện pháp ứng phó đối với tình hình tấn công thông tin mạng, đã xây dựng lực lượng tác chiến mạng. Theo một số nguồn tin cho biết, Bộ Chính sách thông tin Ukraina gần đây trên trang mạng chính phủ đã công bố một trang mạng mới mang tên “Lực lượng thông tin Ukraina”, tập hợp dân chúng Ukraina thành “Đội quân tự nguyện tác chiến mạng của Ukraina”. Bộ Chính sách thông tin Ukraina cho rằng, mục đích chủ yếu của việc thành lập lực lượng tác chiến mạng này là để hy vọng thông qua lực lượng thuê bao mạng Ukraina, truyền ra thế giới những thông tin chính xác về tình hình thực tế của Ukraina.

Quân đội Đức đánh giá, dư luận, đặc biệt là những bình luận, quan điểm liên quan đến quân đội trên mạng xã hội hiện nay, cả trong thời bình hay thời chiến đều ảnh hưởng đến sự tín nhiệm và ủng hộ của người dân đối với quân đội. Do vậy, ngoài phải nắm được kỹ năng quân sự, các sĩ quan tương lai phải học cách làm thế nào để đối phó với các phương tiện truyền thông, triển khai tuyên truyền có lợi, thậm chí còn phải học cách làm thế nào để lợi dụng truyền thông hoặc dư luận để giúp đỡ họ thực hiện mục đích quân sự. Trong nội dung giảng dạy của các trường quân đội, Đức đã tăng nội dung về nghệ thuật nói chuyện, lập kế hoạch truyền thông, quan hệ công chúng… với thời lượng phù hợp. Dạy cho học viên cách thức để thiết lập mối quan hệ với truyền thông và những người khác trên mạng xã hội, những kỹ xảo để có thể dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng có lợi cho mình.

Theo “Nhật báo Trung ương” Hàn Quốc, một nhân viên nghiên cứu cao cấp thuộc Ban nghiên cứu chính sách an ninh Hàn Quốc nói rằng: Để tăng cường cuộc chiến tranh tâm lý với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã xây dựng lực lượng chiến tranh tâm lý trên mạng với 200 người. Bài báo này nói rằng, “ Hacker” Triều Tiên trực tiếp do Cục tự động hóa chỉ huy, Bộ tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên và Tổng cục Trinh sát Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân trực tiếp lãnh đạo, trong đó, Cục 121 thành lập năm 1998 là lực lượng “hacker” đầu tiên chuyên thực hiện nhiệm vụ tấn công và phòng thủ mạng, phụ trách thu thập tin tức tình báo quân sự của các nước Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... đồng thời thực hiện nhiệm vụ tác chiến mạng, ví dụ như xâm nhập vào mạng máy tính cơ quan quân sự đối phương, đánh cắp dữ liệu, thậm chí phát tán virus máy tính.