Trong cuộc phỏng vấn riêng với Vietnam+ (chiều 11/2), chàng trai 29 tuổi nêu rõ lý do dẫn đến quyết định gây sốc của anh, dẫu rằng Flappy Bird khi đó đang chiếm vị trí số 1 trên cả App Store của Apple lẫn Google Play cho Android.
Trong cuộc trao đổi, Đông cũng cho biết niềm vui của anh tăng dần khi biết trò chơi Flappy Bird trở nên phổ biến trên thế giới, nhưng khi bắt đầu nhận được nhiều phản hồi tiêu cực về việc người dùng mê mải chơi game ra sao thì anh bắt đầu cảm thấy trò chơi có vấn đề. "Tôi thấy nó trở thành một thứ nghiện, và đó là điều không tốt cho cộng đồng chơi game," anh nói.
"Tôi cảm thấy không thoải mái không phải vì những cáo buộc 'đạo game' hay sao chép, mà thực sự tôi thấy Flappy Bird gây hậu quả không tốt," Đông tâm sự. Anh cũng nhấn mạnh rằng việc gỡ bỏ trò chơi hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ vấn đề pháp lý nào hay vì bất kỳ sức ép nào như nhiều người đồn đoán.
Nguyễn Hà Đông cho biết sáng 11/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mời anh lên trao đổi và Đông "đã nhận được sự động viên và ủng hộ của ông." Phó Thủ tướng là người đầu tiên gặp nhà phát triển game này kể từ khi anh thông báo gỡ trò chơi đình đám. Sau đó, Đông còn gặp 2 tờ báo nước ngoài.
Đông kể rằng bố mẹ anh hoàn toàn không biết về trò chơi này cho tới khi báo chí và truyền hình trong nước đưa tin. Nhà lập trình trẻ còn nói rằng anh không hề đọc báo trong nước về vấn đề này.
Trước đó, rạng sáng ngày 10/2 theo giờ Việt Nam, tác giả của Flappy Bird, nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông đã rút game gây sốt này khỏi App Store và Google Play.
Quyết định gỡ bỏ trò chơi được Đông thông báo trên Twitter 22 giờ trước đó. Một số người hoài nghi rằng chàng trai trẻ đang "làm trò PR." Nhiều người khác khuyên nhủ anh không nên manh động. Có người nói Nguyễn Hà Đông đã quyết định đúng đắn.
Hãng sản xuất game hàng đầu thế giới Nintendo ngày 10/2 đã lần đầu lên tiếng về game di động đang gây sốt trên toàn thế giới Flappy Bird của .GEARS studio, sau khi có một số ý kiến cho rằng tác giả đã sử dụng hình đồ họa từ trò Super Mario đình đám của Nintendo, cụ thể là hình ống nước. Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, người phát ngôn của Nintendo nói rằng “công ty chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ hành động gì vào thời điểm hiện tại.”
Bình luận về những tin đồn rằng Flappy Bird có thể dính tới rắc rối về mặt pháp lý, một số chuyên gia nói rằng những điều này là vô căn cứ; chuyện "kế thừa" hay chịu ảnh hưởng từ một trò game đi trước là chuyện phổ biến trong làng game thế giới.
Giới thiệu về Flappy Bird
Flappy Bird, là game mobile được đưa lên kho ứng dụng App Store từ 24/5/2013, nhưng nó bất ngờ nổi lên vươn lên đầu bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí, trong các kho ứng dụng App Store và Google Play trong thời gian cuối tháng 1/2014. Giao diện và cách chơi game nhìn rất đơn giản, giống với các trò chơi 8-bit ở thập niên 1980 và có một chút gì đó ở giao diện khiến người chơi gợi nhớ đến khung cảnh trò chơi Mario trước đây.
Cách chơi game rất dễ, người chơi chỉ cần chạm ngón tay vào màn hình để đẩy chú chim lần lượt vượt qua các khoảng cách giữa những chiếc ống màu xanh. Nhìn đơn giản thế, nhưng thực sự lại rất khó, bởi nếu người chơi để chú chim bị rơi hay va chạm vào những chiếc ống, ngay lập tức trò chơi sẽ kết thúc. Với việc đưa người chơi vào độ khó ngay từ đầu, game khiến cho nhiều người cảm thấy ức chế và dẫn đến gây “nghiện” để chinh phục bằng được thử thách này, điều đó đã khiến cho nhiều người chọn nó.
Thành công nhờ sản phẩm tốt và yếu tố may mắn
Đó là nhận xét chung của những người làm game di động tại Việt Nam hiện nay, theo họ sự thành công của Flappy Bird liên quan đến rất nhiều yếu tố, bên cạnh sản phẩm tốt còn có sự may mắn.
Theo các chuyên gia về game trên di động, tiêu chí tạo nên một game trên di động hay có 2 yếu tố: Tạo thách thức và Cách chơi đơn giản. Flappy Bird thoạt nhìn tưởng dễ chơi vì chỉ cần “…chạm, chạm, chạm..”, nhưng ngay màn chơi đầu tiên lại quá khó. Vì vậy, trò chơi khơi dậy được tâm lý muốn chinh phục một thứ tưởng dễ và thách đố người chơi khác.
Dù may mắn hay có chủ đích thì trò chơi đã được gọi là thành công về tiếp thị. Trò chơi đã tới được điểm bùng phát, được phát tán, đánh giá và truyền miệng bởi hàng trăm trang tin công nghệ có uy tín cũng như hàng triệu người dùng thế giới. Về doanh thu, số tiền quảng cáo thu được cho sản phẩm một người làm là quá ổn. Nhưng không thể kỳ vọng đây là một Angry Bird thứ hai bởi trò chơi không được thiết kế để thu tiền. Về lâu dài, chỉ có tác giả trò chơi mới biết chính xác lượng người quay lại game ngày thứ hai để quyết định đầu tư tiếp hay tận dụng cơ hội này viết thêm các sản phẩm khác.
Tâm lý đám đông là một điều không thể hiểu được. Người dùng di động phương Tây quen với các trò chơi điều khiển 1-touch (1 chạm). Người dùng di động Việt Nam, Trung Quốc thì lại quen kiểu game kiếm hiệp từ máy tính chuyển sang di động. Nhìn chung trò chơi này thành công vì đã hiểu được tâm lý và sở thích đám đông. Thành công lớn nhất của Flappy Bird chính là một cú hích tạo tâm lý tự tin cho cộng đồng phát triển game di động Việt Nam tương tự Angry Bird ở Phần Lan trước đây.
Còn việc game lên top, theo các chuyên gia, trong kinh doanh nói chung, không riêng gì ngành game, yếu tố may mắn rất quan trọng. Tất nhiên, là bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố khác quan trọng không kém, ví dụ như chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp này ông đánh giá cao cả 2 yếu tố trên từ Flappy Bird và đó là nguyên nhân nó tạo ra thành công.
Đa số những người làm game trên di động đều đồng tình với những nhận xét ở trên, bên cạnh việc đánh giá cao ý tưởng cũng như chất lượng sản phẩm game của lập trình viên Nguyễn Hà Đông, theo họ ở đây có hai yếu tố giúp game Flappy Bird thành công đó là game chơi đơn giản, giải trí nhẹ nhàng và gặp may mắn trong việc lan toả (viral), một công thức quen thuộc hiện nay. Tuy nhiên, sự thành công này sẽ không tồn tại lâu do bản chất game cũng không phải là dòng mới, đi lên nhờ hiệu ứng đám đông, nên để giữ chân người dùng được trong thời gian dài sẽ rất khó.
Về doanh thu game, theo những người trong ngành phân tích, tác giả có thể thu được vài trăm ngàn USD là chuyện bình thường, nhưng để lên được hàng triệu USD đòi hỏi tác giả phải có nhiều cải tiến hơn nữa trong gameplay ở các phiên bản khác của game. Còn để phát triển game được như Angry Bird hay Clash of Clans như nhiều người đang mơ tưởng là không thể, bởi đây là một game 8-bit, quá đơn giản và không thể phát triển sâu hơn, ngoại trừ tác giả phát triển các sản phẩm game mới và chuyển người dùng từ game này sang.
Đồng thời, những người làm game trên di động tại Việt Nam, cũng cảnh báo đến những startup mới không nên học theo cách này, đổ xô làm game thuộc thể loại giống Flappy Bird, bởi may mắn là một điều rất hiếm hoi khi làm game trên di động, không phải khi nào cũng có.
Tuy nhiên, sự thành công của Flappy Bird cũng đã tạo được cú hích rất lớn cho những người làm game di động tại Việt Nam, rất nhiều người hi vọng sẽ có nhiều người làm được như lập trình viên Nguyễn Hà Đông, bởi thực tế các lập trình viên ở Việt Nam hoàn toàn không thua kém các lập trình viên quốc tế ở lĩnh vực này.