Các vấn đề được giải quyết bằng máy tính lượng tử của Trung Quốc có thể được áp dụng để khai phá dữ liệu, thông tin sinh học, phân tích mạng và nghiên cứu mô hình hóa học. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả thí nghiệm trên Tạp chí Physical Review vào tháng 5/2023.
“Công trình của chúng tôi hướng tới thử nghiệm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong thực tiễn mà những siêu máy tính truyền thống chưa xử lý được", trưởng nhóm nghiên cứu Pan Jianwei, nhà vật lý tới từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc - người được mệnh danh là “cha đẻ của khoa học công nghệ” tại quốc gia này cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Jiuzhang để giải quyết một vấn đề thách thức máy tính truyền thống. Theo đó, Jiuzhang đã sử dụng hơn 200.000 mẫu để giải quyết vấn đề. Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy tính lượng tử để thực hiện và tăng tốc hai thuật toán tìm kiếm ngẫu nhiên và giải thuật luyện thép (Simulated Annealing) thường dùng trong AI.
Với siêu máy tính nhanh nhất thế giới cần 700 giây để tạo ra mỗi mẫu, tức là sẽ mất gần 5 năm để xử lý hơn 200.000 mẫu. Thế nhưng, Jiuzhang chỉ mất chưa đầy 1 giây. Danh sách nhiệm vụ mở rộng hơn mang đến lợi thế cho máy tính lượng tử so với máy tính thường.
Đối với máy tính truyền thống, bit là một tín hiệu điện tử được bật hoặc tắt, do đó giá trị của bit truyền thống có thể là 1 (bật) hoặc 0 (tắt). Qubit (Quantum bit) tiến xa hơn, nó có thể đại diện cho 0, 1 hoặc cả hai trạng thái cùng lúc. Đây là một trong những ví dụ đơn giản nhất về tính đặc thù của cơ học lượng tử. Vì thông tin cơ bản của máy tính lượng tử có thể biểu thị tất cả các khả năng đồng thời, về lý thuyết, chúng nhanh và mạnh hơn nhiều so với máy tính thông thường mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Về lý thuyết, máy tính lượng tử nhanh và mạnh hơn nhiều so với máy tính thông thường. Tuy nhiên, các hạt hạ nguyên tử ở trung tâm của công nghệ này rất mong manh, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và dễ bị lỗi nếu ảnh hưởng với một sự xáo trộn nhỏ từ môi trường xung quanh. Đa số máy tính lượng tử hoạt động trong môi trường cực lạnh và biệt lập để tránh bị gián đoạn.
Jiuzhang, được đặt tên theo một văn bản toán học 2.000 năm tuổi của Trung Quốc, sử dụng ánh sáng làm phương tiện vật lý để tính toán. Không giống như các máy tính lượng tử khác, Jiuzhang không cần phải hoạt động tách biệt ở nhiệt độ cực thấp trong môi trường kín và có thể hoạt động ổn định lâu hơn.