Một số rủi ro và cách ngăn chặn, xử lý nội dung độc hại đối với trẻ em trên nền tảng Tiktok

08:00 | 21/12/2023

Theo số liệu của DataReportal, hiện Việt Nam đang có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok, xếp thứ 6 trên 10 quốc gia có số người sử dụng TikTok nhiều nhất thế giới. Đáng chú ý là mạng xã hội này đang dần chiếm lĩnh thị trường nhờ vào những đoạn video có nội dung đa dạng mang tính "gây nghiện", thu hút mọi lứa tuổi trong đó có trẻ em. Tuy nhiên không như những mạng xã hội khác, TikTok thường xuyên bị cáo buộc việc gây ra những rủi ro nghiêm trọng về bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Thời gian qua đã có ít nhất 10 quốc gia cấm sử dụng ứng dụng này, trong đó có những nguyên nhân là do Tiktok gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới suy nghĩ và hành động của trẻ em.

MỘT SỐ RỦI RO KHI TRẺ EM SỬ DỤNG TIKTOK

1. Về thể chất

- Ngồi và đứng lâu: Sử dụng TikTok thường sẽ trong thời gian dài, buộc trẻ em phải ngồi hoặc đứng một chỗ mà không thể tập trung vào các hoạt động khác. Điều này có thể dẫn đến đau lưng, đau cổ và mệt mỏi chung trong vùng cổ và lưng của trẻ.

- Mỏi và chói mắt: Xem các video trên TikTok trong thời gian dài có thể làm mắt trẻ mệt mỏi và gây chói mắt, đặc biệt là khi có sự chuyển động giữa các video với ánh sáng mạnh và tối.

- Mất điều chỉnh thị giác: Các hiệu ứng hình ảnh nhanh và đa dạng trên TikTok có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thị giác ở trẻ, gây mất điều chỉnh thị giác và có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến thị lực.

2. Về tâm lý

- Nghiện điện thoại: TikTok là một ứng dụng với nhiều nội dung hấp dẫn và không giới hạn. Điều này khiến trẻ em dễ bị nghiện và tiêu tốn quá nhiều thời gian trên nền tảng này, làm giảm thời gian học tập và các hoạt động khác trong cuộc sống.

- Áp lực và căng thẳng: Trên TikTok, có áp lực để tạo ra các video hoàn hảo, thu hút được nhiều lượt thích và theo dõi. Điều này dễ dẫn đến căng thẳng và lo lắng cho trẻ em khi cảm thấy cần phải duy trì một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội này.

- Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý: Sử dụng TikTok quá mức có thể gây ra sự cô lập và làm mất đi sự kết nối xã hội trong thế giới thực của trẻ, làm giảm sức đề kháng với căn bệnh tự kỷ và sự phát triển tâm lý.

Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe cảnh báo thiết kế của TikTok thúc đẩy hành vi gây nghiện, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, thậm chí gây lo lắng hay trầm cảm, hiện tượng được gọi là "bộ não TikTok".

3. Rủi ro về thông tin cá nhân

TikTok thu thập dữ liệu của người dùng bằng cách theo dõi các loại nội dung mà người dùng thích và chia sẻ trên ứng dụng. Trong chính sách bảo mật của mình, TikTok tuyên bố rằng họ thu thập thông tin người dùng cung cấp trong ngữ cảnh soạn, gửi hoặc nhận tin nhắn. Tập trung vào việc sử dụng từ “soạn” tin nhắn, TikTok không chỉ đối chiếu dữ liệu và thông điệp người dùng chia sẻ qua ứng dụng mà còn đối chiếu nội dung người dùng đã tạo hoặc viết nhưng không chia sẻ.

Ngoài ra, TikTok cũng tận dụng mọi quyền truy cập mà người dùng cấp, thu thập thông tin về kiểu điện thoại, độ phân giải màn hình, hệ điều hành được sử dụng hiện tại, số điện thoại, địa chỉ email, vị trí và thậm chí cả danh bạ trên thiết bị của người dùng.

Vì vậy, với kiến thức và những suy nghĩ còn non nớt, trẻ em rất dễ trở thành đối tượng bị lộ lọt các thông tin cá nhân và tấn công, xâm hại trên môi trường mạng.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, XỬ LÝ NỘI DUNG ĐỘC HẠI ĐỐI VỚI TRẺ EM

Đối với các cơ quan chức năng

- Tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube..., xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, bạo lực, không phù hợp thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống,… ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

- Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, kết quả phát hiện nhiều sai phạm trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ trẻ em trên nền tảng:

+ Không có các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

+ Không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

+ Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

+ Vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản trong khi TikTok Singapore công bố nền tảng mạng xã hội TikTok chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên….

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã khuyến nghị Tiktok triển khai 4 nhóm biện pháp chính:

+ Xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi.

+ Giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok.

+ Bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em, khi đăng lên cần có sự đồng ý của trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ em hoặc video cần phải che mặt, làm mờ hình ảnh trẻ em trước khi đăng lên.

+ Cảnh báo về độ tuổi cho các video trên TikTok, kiểm soát chặt chẽ video có nội dung nhảm nhí, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam.

Đối với phụ huynh, thầy cô và người chăm sóc trẻ

- Liên tục gia tăng nhận thức và cập nhật về các rủi ro trên Internet và trên mạng xã hội đặc biệt là các thử thách nguy hiểm trên TikTok để trẻ hiểu và chủ động tránh xa hoặc thông báo với người thân khi gặp phải những điều đáng lo ngại.

- Dạy cho trẻ các kỹ năng mềm khi sử dụng Internet về cách ứng xử, thấu hiểu, bảo vệ bản thân không chỉ quan trọng ở thế giới thật mà còn trên thế giới ảo như Internet và mạng xã hội.

- Hướng dẫn trẻ về dấu chân kỹ thuật số (Digital Footprint): chẳng hạn như những gì trẻ gửi đi hoặc đăng tải sẽ tồn tại vĩnh viễn trên Internet và điều này dẫn đến rủi ro rất cao bị tấn công, xâm hại trực tuyến

- Tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ chặn lọc, quản lý nội dung mà con em mình truy cập trên Internet để có thể ngăn chặn, phát hiện sớm những nguy cơ tiềm ẩn mà trẻ có thể gặp phải.

- Để ý đến những dấu hiệu tinh thần bất thường của trẻ như: thức quá khuya, tránh xa các thành viên trong gia đình, đột nhiên không muốn dùng mạng xã hội, tự ti, ít nói,… đây rất có thể là dấu hiệu trẻ bị tấn công trên mạng hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực trực tuyến.