Mỹ nghiên cứu và phát triển một loại chip có khả năng “dịch” hoạt động não thành mã nhị phân

14:37 | 26/01/2016

Cơ quan Các dự án quốc phòng tiên tiến của Hoa Kỳ (DARPA) đang nghiên cứu và phát triển một công nghệ mới cho phép não người và máy tính giao tiếp trực tiếp với nhau, nhờ một loại chip có khả năng “dịch” hoạt động não thành mã nhị phân.



Dự án đầy tham vọng này nếu thành công sẽ là một trong những bước đột phá vĩ đại trong thế kỷ XXI với những ứng dụng cực kỳ đa dạng, từ dân dụng đến quân sự. Con người sẽ điều khiển được máy móc chỉ bằng suy nghĩ và ngược lại, máy móc sẽ hiểu được con người muốn gì mà không cần phải nhận lệnh phức tạp như hiện nay.

DARPA, vốn khá nổi tiếng với các công nghệ “khó tin”, từ cách đây vài năm đã bắt đầu nghiên cứu loại giao tiếp không dây giữa máy tính và não người. Tuy nhiên, phần lớn các dự án nghiên cứu chip não - máy tính của DARPA đều dừng lại ở mức độ ý tưởng, nghiên cứu nền tảng, do một số hạn chế về công nghệ. Trong thông báo của DARPA mới đây, họ đã so sánh về quá trình công nghệ giao tiếp não - máy hiện tại giống như “2 siêu máy tính” tương tác với nhau thông qua một modem.

Thực tế hiện nay, các giao tiếp mạng chưa đủ nhanh để phục vụ cho các ứng dụng chuyển đổi thần kinh và thậm chí các nhà nghiên cứu còn cho rằng điều đó cũng khó khăn giống như phục hồi thị lực cho người mù vậy. Để thực hiện được hệ thống giao tiếp não - máy thì người ta hình dung ra rằng cần có một chiếc máy ảnh có khả năng truyền thông tin hình ảnh trực tiếp tới não, đồng thời phải có một thiết bị cấy ghép vào não có thể dịch được dữ liệu thành ngôn ngữ giao tiếp với hệ thần kinh của con người. Để làm được chuyện này, DARPA đã khởi động một dự án có tên là Thiết kế hệ thống kiến trúc thần kinh (NESD) nhằm kêu gọi cộng đồng khoa học đề xuất những ý tưởng, giải pháp mang tính khả thi. DARPA cho biết, dự án mới được triển khai nhằm mục đích phát triển một giao diện thần kinh có thể cấy ghép vào trong não với khả năng cung cấp tín hiệu với độ phân giải và băng thông cực kỳ lớn nhằm truyền dữ liệu trực tiếp giữa não người và máy tính. Giao diện này có nhiệm vụ như một máy “phiên dịch” trong não, chuyển đổi giữa ngôn ngữ điện hóa sử dụng bởi các tế bào thần kinh thành tín hiệu 0/1 của thế giới kỹ thuật số.

Điều gì sẽ xảy ra nếu DARPA phát triển thành công chip chuyển ngôn ngữ não thành tín hiệu số? Khi đó chắc hẳn con người sẽ có thể điều khiển máy tính bằng cách đơn giản là bằng ý nghĩ, máy tính sẽ hiểu được con người muốn gì, thậm chí không cần bất cứ thao tác ra lệnh nào khác. Ứng dụng của nó sẽ rất đa dạng, cả trong lĩnh vực dân dụng và quân sự như xe tự lái, thiết bị thông minh…. Thậm chí, nếu có điều ngược lại, nghĩa là chuyển tín hiệu số thành tín hiệu não, lưu lại dưới dạng dữ liệu thì có lẽ những bộ siêu não sẽ ra đời và được lưu trữ.