Năm 2012: Ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước

10:00 | 06/12/2012

Với một loạt các văn bản chỉ đạo như Chỉ thị 897/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn thông tin số; Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước….

Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử. Trong bối cảnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu được giao nhiệm vụ triển khai Hạ tầng Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Triển khai CA tại các Bộ, ngành và địa phương Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2012 Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp gần 4.500 chứng thư số (CTS) phục vụ cho hoạt động Chứng thực điện tử (CTĐT) của các Bộ, ­­ngành và địa phương, tăng 50% so với năm trước và chiếm gần 50% số lượng CTS đã được cấp phát từ trước tới nay. Điều này cho thấy, nhu cầu và khả năng đáp ứng cho hoạt động CTĐT của các cơ quan nhà nước tăng lên vượt bậc trong năm vừa qua. Đến nay đã có 30% các Bộ, ngành Trung ương (22 Bộ, ngành và 5 tổ chức chính trị) ứng dụng chữ ký số (CKS) và 17% Bộ, ngành Trung ương đã lên kế hoạch triển khai ứng dụng CKS. Tại các địa phương (63 Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã có tới 17% ứng dụng CKS và 16% các địa phương đã lên kế hoạch ứng dụng CKS. Tuy tỷ lệ ứng dụng CKS tại các Bộ, ngành và các địa phương còn chưa cao, nhưng cũng thể hiện rằng các cơ quan, tổ chức đã có những bước tiến quan trọng trong ứng dụng các dịch vụ công điện tử vào quá trình thực thi nhiệm vụ. Tính đến năm 2012, nhiều cơ quan ở trung ương đã triển khai ứng dụng CKS vào điều hành, tác nghiệp như: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông.... Các Tỉnh, thành phố đã ứng dụng CKS như: Hà nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Tỉnh Vĩnh Long.... Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc tổ chức khảo sát nhu cầu, tư vấn xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch ứng dụng và triển khai CKS; tập huấn cho các cán bộ, công chức tại các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương về sử dụng CKS. Cũng trong năm 2012, Ban Cơ yếu Chính phủ đã trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu đã phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng lộ trình ứng dụng văn bản điện tử và CKS, đồng thời tiến hành xây dựng văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường hiệu quả công tác ứng dụng và triển khai hoạt động CTĐT công cộng và chuyên dùng. Những khó khăn trong công tác triển khai CA Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng hoạt động CTĐT chuyên dùng Chính phủ cũng còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, về phía cơ quan triển khai hạ tầng CTĐT, để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu ứng dụng CKS phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành, cần phải phác họa được bức tranh tổng thể phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam trong những năm sắp tới và dự kiến được lộ trình, quy mô cung cấp dịch vụ CTĐT cho các lĩnh vực hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 sẽ cấp phát 150.000 CTS chuyên dùng, cần có sự đánh giá, khảo sát và phải luôn bám sát quá trình vận động của thực tiễn. Bên cạnh đó, Hạ tầng PKI chuyên dùng Chính phủ hiện đang đứng trước những yêu cầu cần mở rộng về quy mô và nâng cao năng lực phục vụ. Với sự gia tăng về số lượng CTS cấp phát mỗi năm và sự mở rộng phạm vi cấp phát cho các Bộ, ngành và địa phương thì đây là những yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết. Vấn đề quản lý sử dụng CTS hiện cũng đang gặp những bất cập, đặc biệt là việc nắm bắt được chính xác tình hình sử dụng CTS đã cấp phát tại các cơ quan, đơn vị và hiệu quả sử dụng của chúng. Thứ hai, hiện nay các Bộ, ngành đang đẩy mạnh các ứng dụng CNTT với các cổng thông tin, các ứng dụng quản lý, điều hành, tác nghiệp qua mạng, nhưng một số nơi chưa triển khai các sản phẩm CTĐT của ngành Cơ yếu theo quy định. Thực tế đó cho thấy việc ứng dụng dịch vụ CTĐT chuyên dùng còn chưa được đánh giá đúng mức. Các Bộ, ngành và địa phương đôi khi còn lúng túng trong việc triển khai ứng dụng CTĐT, không biết bắt đầu từ đâu và tiến hành như thế nào. Điều này phản ánh công tác quán triệt, tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện về hoạt động CTĐT chuyên dùng chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, quá trình đảm bảo cung cấp CTS còn phải thực hiện qua nhiều khâu trung gian, hoạt động thủ công và các quy định hành chính khá phức tạp dẫn đến hoạt động CTĐT còn bị chậm trễ và chưa thuận tiện. Điều này đòi hỏi phải xây dựng quy trình cung cấp CTS tự động, tiên tiến và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và giữ đúng các nguyên tắc nghiệp vụ để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng trước những yêu cầu đẩy mạnh hoạt động CTĐT chuyên dùng phục vụ hoạt động lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ luôn khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, năm 2013, hạ tầng CTĐT chuyên dùng đã được Chính phủ quyết định đầu tư phát triển, mở rộng để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới.