Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ yếu phục vụ chuyển đổi số của tỉnh Hậu Giang

10:03 | 11/09/2023

Hậu Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, Hậu Giang là một trong những địa phương tiên phong trong đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Tỉnh xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Cùng với đó, công tác cơ yếu, công tác bảo vệ bí mật, an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan Đảng, nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố then chốt, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc trong tiến trình xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của Tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác cơ yếu, công tác bảo vệ bí mật, an toàn thông tin là rất quan trọng, phục vụ trực tiếp sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tình hình mới. Thời gian qua, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa triển khai thực hiện ở cấp mình. Các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cơ yếu được triển khai đồng bộ, có sự lãnh đạo chặt chẽ, sâu sát và kịp thời báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ hàng năm. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin.

Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ yếu ở địa phương, đơn vị phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng phát triển hệ thống cơ yếu lớn mạnh, rộng khắp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo mật thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính quyền. Hoạt động của các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu ngày càng đổi mới và chuyển biến tích cực. Các lực lượng cơ yếu trong tỉnh chủ động tham mưu với cấp ủy các cấp kịp thời triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Ban Cơ yếu Chính phủ và các hệ cơ yếu cấp trên về công tác cơ yếu, công tác bảo mật thông tin. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, gặp gỡ, trao đổi về công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo về công tác cơ yếu, về chuyên môn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình công tác, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin bí mật phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương luôn bí mật, chính xác, kịp thời.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu trên địa bàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, đã phát huy được năng lực, sở trường công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; luôn trung thành, tận tụy với công việc, đoàn kết, chấp hành nghiêm kỷ luật của Ngành, nội quy, quy định cơ quan. Công tác tham mưu về lĩnh vực cơ yếu có nhiều chuyển biến, chế độ công tác cơ yếu ngày càng nề nếp. Công tác triển khai sản phẩm mật mã để tăng cường bảo vệ bí mật thông tin được chú ý. Nghiệp vụ quản lý, sử dụng kỹ thuật mật mã được thực hiện đúng quy định; định kỳ làm tốt công tác kiểm tra cơ yếu. Hệ thống kỹ thuật mật mã đảm bảo an toàn.

Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Hậu Giang với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính quyền trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc của các cơ quan nhà nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức như việc rò rỉ, lộ lọt thông tin, xuyên tạc và phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật. Nguy cơ lộ lọt thông tin bí mật nhà nước, mất an toàn thông tin có chiều hướng gia tăng, đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác bảo mật, an toàn, an ninh thông tin của tỉnh. Việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng là yêu cầu đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giữ thành quả đạt được mà còn đảm bảo sự liên thông, liên tục cho quá trình vận hành hệ thống. Đối với yêu cầu công tác chuyển đổi số như hiện nay, cán bộ cơ yếu hiện tại chỉ được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ cơ yếu, chưa được đào tạo kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin nên việc tham mưu, triển khai các sản phẩm mật mã mới cũng như việc đề xuất bảo mật các hệ thống thông tin còn gặp khó khăn. Trình độ một số cán bộ, nhân viên cơ yếu hiện nay tuy đã đáp ứng được việc khai thác, sử dụng các trang bị nghiệp vụ của Ngành, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng việc đi sâu vào các giải pháp tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực cơ yếu có mặt còn hạn chế.

Hiện nay, tỉnh đã có sự chuẩn bị nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên toàn tỉnh, bao gồm cả đào tạo, chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Thực tế hiện nay, biên chế tại các cơ quan ngày càng tinh gọn, một đồng chí phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, do đó việc vận dụng lực lượng công nghệ thông tin làm công tác cơ yếu là rất cần thiết. Vì vậy, Hậu Giang mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện để tỉnh đưa cán bộ công nghệ thông tin đảm bảo đủ điều kiện chính trị đi đào tạo nghiệp vụ cơ yếu, góp phần bổ sung lực lượng làm công tác cơ yếu tại địa phương. Đồng thời, quan tâm trang bị kịp thời các trang thiết bị hiện đại để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phù hợp xu thế phát triển khoa học công nghệ như:  mã hóa điện thoại thông minh, sản xuất thiết bị lưu dữ liệu mã hóa dung lượng lớn, thiết bị bảo vệ dữ liệu truy cập mạng nội bộ và Internet…

Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong nước nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn. Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang phải tập trung giải quyết nhiều nhiệm vụ lớn, việc khó. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị địa phương có sử dụng lực lượng cơ yếu sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cơ yếu, hoạt động bảo mật và an toàn thông tin trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, các cơ quan, đơn vị có triển khai mạng liên lạc cơ yếu tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức cơ yếu của cơ quan, đơn vị mình theo kế hoạch định hướng của Hệ Cơ yếu mỗi ngành; bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người làm công tác cơ yếu để làm tốt công tác tham mưu, phục vụ cho cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Thường xuyên nâng cao chất lượng tham mưu, hiệu quả trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.

Ba là, duy trì quản lý tốt nghiệp vụ kỹ thuật mật mã theo đúng quy định của ngành Cơ yếu, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại hình sản phẩm mật mã hiện đại, tự động hóa cao để đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Quản lý tập trung, thống nhất về chuyên môn trong toàn lực lượng cơ yếu của tỉnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực cơ yếu và việc sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động mã thám, phần mềm lắng nghe, giám sát gây phương hại đến an ninh quốc gia, an toàn thông tin thuộc phạm vi quản lý của cơ yếu.

Bốn là, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu, đặc biệt chú trọng đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phối hợp quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu và tài liệu, phương tiện nghiệp vụ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tổ chức cơ yếu.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đối tượng được cấp chữ ký số. Hướng dẫn cán bộ, công chức sử dụng thành thạo chữ ký số trên các dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, Hậu Giang đã và đang trong quá trình chuyển đổi số với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để chuyển đổi số thành công, cùng với thể chế và công nghệ, yếu tố con người là rất quan trọng, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh, trong đó có lực lượng cơ yếu; đồng thời cũng là cơ hội để tất cả tổ chức, cá nhân nói chung, lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng cùng vươn lên, khẳng định mình và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.