Nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng

08:28 | 07/11/2022

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng rất nan giải, không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Để giải quyết vấn nạn này, thời gian vừa qua, việc đầu tiên Bộ TT&TT triển khai là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế để lực lượng công an xử lý.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, thời gian gần đây, nhiều kẻ lừa đảo đã sử dụng các số điện thoại và thông qua các trang web.

Để giải quyết vấn nạn này, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã hoàn thiện hành lang các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế để lực lượng công an xử lý. Đồng thời, để xử lý một cách căn bản, Bộ TT&TT cũng đã công khai các đầu số điện thoại (156, 5656) để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm.

Bộ TT&TT cũng đã rà quét, ngăn chặn hàng nghìn trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác và phải đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; sau đó là xử lý sim chính chủ. Với những biện pháp này, Bộ TT&TT sẽ ngăn chặn đáng kể việc dùng số điện thoại để lừa đảo và các cuộc gọi rác.

Nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì không khác gì khi thực hiện phòng COVID-19 là phải đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa… Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc, giống như việc tiêm vaccine COVID-19 mới là giải pháp căn cơ và lâu dài để phòng bệnh này.

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý lĩnh vực nào trong không gian thực, thì cũng quản lý vấn đề đó trên không gian mạng. Đồng thời đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.