Nga đang xây dựng hệ điều hành cho các bộ vi xử lý trong nước

08:30 | 19/01/2018

Các chuyên gia của Nga đã bắt đầu xây dựng hệ điều hành trong nước cho các bộ vi xử lý “Elbrus” và “Baikal”, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn thông tin.

Để đảm bảo an toàn thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác của Liên bang Nga, nơi đòi hỏi mức độ bảo vệ dữ liệu cao, cần phải sử dụng các máy tính có các thành phần sản xuất trong nước, để tránh rò rỉ thông tin quan trọng.

Đối với bất kỳ hệ thống phần cứng nào cũng cần có phần mềm kèm theo, để quản lý hiệu quả tài nguyên hệ thống. Do đó, gần đây các chuyên gia của Nga đã bắt đầu xây dựng hệ điều hành cho các bộ vi xử lý được sản xuất trong nước gồm "Elbrus" và "Baikal".

Các bộ vi xử lý được đề cập đến là Baikal-T1 và Elbrus-8C.

Bailai-T1 được phát triển bởi hãng điện tử Baikal và thuộc họ hệ thống 32 bit, sử dụng lõi P5600 cấu trúc MIPS32 Release 5 của công ty Imagination Technologies. Bộ xử lý này rất thích hợp để sử dụng trong các thiết bị mạng khác nhau trong vi điện tử....

Elbrus-8C do Viện nghiên cứu cơ khí chính xác và khoa học máy tính Lebedev của Nga nghiên cứu, sản xuất. Sản phẩm này có 8 nhân chạy ở xung nhịp 1,3GHz, bộ nhớ L2 cache 4MB, L3 cache 16MB và được thiết kế dựa trên kiến trúc x86/64 (64 bit). Đây là bộ vi xử lý được thiết kế để giải quyết các bài toán phức tạp và xây dựng các hệ thống đa xử lý.

Phần mềm cho các bộ vi xử lý trong nước của Nga sẽ được xây dựng trong khuôn khổ chương trình "Kinh tế số", chương trình này dự kiến phát triển phần mềm phổ quát cho các thành phần kỹ thuật được sản xuất trong nước. Tại thời điểm tháng 12/2017, dự án xây dựng hệ điều hành cho vi xử lý của Nga đang trong giai đoạn thiết kế.

Các chuyên gia cũng cho biết, việc triển khai dự án này sẽ tính toán khả năng sử dụng để chạy các ứng dụng tiêu chuẩn, cũng như để làm việc với các khối dữ liệu khổng lồ. Đồng thời khẳng định, công việc xây dựng hệ điều hành sẽ được thực hiện từ đầu, chứ không phải bằng cách sử dụng hạt nhân Linux, như đã thử trước đây.