Theo reuters, Roskomnadzor cho rằng các quảng cáo trên nền tảng này đang kêu gọi đình chỉ hệ thống thông tin liên lạc của Nga và mạng lưới đường sắt của Belarus. Roskomnadzor nhấn mạnh các hành động này đang đe dọa tới tính mạng và sức khỏe của người dân Nga. Chúng là bằng chứng về quan điểm chống Nga của công ty Mỹ.
Nga kiên quyết phản đối các chiến dịch truyền thông này, đồng thời yêu cầu Google ngừng ngay việc phát tán các video có nội dung chống phá Nga càng sớm càng tốt. Ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra, đi cùng với đó là một loạt các biện pháp trừng phạt của các công ty công nghệ được áp dụng và những cuộc chiến thông tin trên các nền tảng mạng xã hội cũng bùng nổ.
Trước đó, YouTube đã chặn quyền truy cập các kênh truyền thông của Nhà nước Nga trên toàn thế giới. Nền tảng Meta đã cho phép người dùng mạng xã hội ở Ukraine đăng các thông điệp như "Chết trước những kẻ xâm lược Nga", vì thế Nga chính thức đóng cửa nền tảng Instagram từ ngày 14/3.
Ngoài ra, Nga cũng đã cấm hoạt động của mạng xã hội Facebook để phản ứng lại những hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông Nga trên nền tảng này.
Mới đây, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã có bài viết chỉ trích dữ dội các công ty truyền thông xã hội nước ngoài như Meta và YouTube. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh Nga có đầy đủ các công cụ và kinh nghiệm cần thiết để phát triển mạng xã hội của riêng mình và cho rằng "trò chơi một chiều" của các công ty phương Tây kiểm soát luồng thông tin sẽ không thể tiếp tục tại quốc gia này.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra, nền tảng VKontakte của Nga đã phá kỷ lục về hoạt động và thu hút 300.000 người dùng mới trong hai tuần. Vào ngày Instagram bị chặn ở Nga, VKontakte cho biết lượng người xem trong nước hàng ngày của họ tăng kỷ lục với 8,7% lên hơn 50 triệu người. Đây là một kỷ lục mới.
Anton Gorelkin - một thành viên của Ủy ban thông tin và truyền thông của Duma Quốc gia Nga cho biết, YouTube có thể sẽ phải đối mặt với biện pháp tương tự như Instagram nếu vẫn tiếp tục "hoạt động như một vũ khí trong cuộc chiến thông tin". Trong bối cảnh đó, ông cũng chia sẻ một dịch vụ RuTube có thể giúp người dân Nga chuyển video từ YouTube sang dịch vụ trong nước tương đương,
Theo Reuters, các nhà công nghệ Nga cho biết họ sẽ sớm tung ra thị trường ứng dụng chia sẻ hình ảnh Rossgram để lấp đầy khoảng trống mà Instagram để lại.
Trước đó, nằm trong chiến dịch giảm bớt ảnh hưởng của các trang web nước ngoài tại Nga, Tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nga Gazprom Media cũng đã ra mắt ứng dụng có tên Yappy như một đối thủ trong nước của nền tảng chia sẻ video TikTok vào tháng 11/2021.