PV. Thưa Trưởng ban, trong không khí của những ngày Mùa thu lịch sử, toàn Ban và ngành Cơ yếu đang hướng tới Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2020), đồng chí có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong thời điểm này?
Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm:
Cách đây 75 năm, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, chỉ đúng 10 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 12/9/1945 là thời điểm lịch sử trong chặng đường đầy vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Trong suốt 75 năm qua, cán bộ, nhân viên cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam luôn biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc, chở che của nhân dân cả nước, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, địa phương; đặc biệt luôn ghi nhớ công lao đóng góp của thế hệ cha anh, của gần 800 liệt sỹ cơ yếu đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường, các thương binh đã hy sinh một phần máu xương của mình, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước, hun đúc nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ
PV. Trong Chỉ thị thành lập tổ chức mật mã đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của Ban Mật mã quân sự là phải bảo đảm “chỉ huy, thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác”. Khi đến thăm lớp mật mã Lê Hồng Phong tại Định Hóa, Thái Nguyên (năm 1950), Người căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”. Đó chính là những giá trị thực tiễn, là tư tưởng chỉ đạo xây dựng ngành Cơ yếu vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thưa Trưởng ban?
Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm:
Đúng vậy, trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật thông tin cơ mật trọng yếu chiếm một vị trí quan trọng. Có thể nói, đó là những tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Cơ yếu Việt Nam, xác định rõ phương châm, nguyên tắc hoạt động của Ngành. Tư tưởng đó đặt công tác bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang ở vị trí cơ mật; khẳng định nguyên tắc cốt lõi của bảo mật thông tin là "bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống"; công tác tổ chức, xây dựng lực lượng và quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ phải tập trung, thống nhất, chặt chẽ, nghiêm ngặt và quân sự hóa; đòi hỏi phẩm chất đạo đức, phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác cơ yếu phải "Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo".
Ngành Cơ yếu Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng bảo mật thông tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu mới của đất nước, nhiệm vụ bảo mật thông tin của ngành Cơ yếu càng cực kỳ quan trọng, cấp bách và thường xuyên; những tư tưởng về bảo mật thông tin của Bác đối với ngành Cơ yếu vẫn còn nguyên giá trị.
PV. Lịch sử ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Ngành luôn song hành cùng các mốc lớn của Cách mạng Việt Nam. Điều đó cho thấy vai trò, trọng trách mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với ngành Cơ yếu. Xin Trưởng ban cho biết, trong giai đoạn cách mạng mới, ngành Cơ yếu Việt Nam có vai trò, nhiệm vụ như thế nào?
Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm:
Từ tổ chức cơ yếu đầu tiên được thành lập, trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Cơ yếu Việt Nam trở thành một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ 4 nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm sau: (1) Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin của lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực vũ trang trong mọi tình huống. (2) Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. (3) Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước, phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông thực hiện các biện pháp ứng phó với cuộc chiến tranh thông tin.(4) Quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước (mật mã dân sự).
Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam. Đó vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt, khích lệ to lớn và động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước cho những nỗ lực, phấn đấu liên tục, không ngừng trong suốt 75 năm qua của ngành Cơ yếu, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho ngành Cơ yếu Việt Nam.
Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, ngành Cơ yếu cần tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, nhất là ở tầm chiến lược để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác cơ yếu; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cơ yếu và Luật Cơ yếu;
Hai là, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ yếu đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu và lực lượng cơ yếu;
Ba là, Đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu và các sản phẩm mật mã, kỹ thuật mật mã;
Bốn là, Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân;
Năm là, Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã.
PV. Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!