Toàn cảnh sự kiện
Tham dự sự kiện, về phía đại biểu khách mời có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an - diễn giả nói chuyện trực tiếp trong sự kiện; cùng đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Nhà sách Huy Hoàng và thư viện thuộc các Trường đại học phía Bắc.
Về phía Ban Cơ yếu chính phủ có các đồng chí: Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, cùng lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và đông đảo đội ngũ giảng viên, sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã.
Sự kiện được tổ chức với mục đích nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhân cách, văn hóa, tâm hồn của mỗi con người. Qua đó, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đọc sách, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong các cơ quan, đơn vị thuộc Ban; phát huy ý thức tự học, tự đọc, thói quen, kỹ năng đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc của cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên trong Ban Cơ yếu Chính phủ.
Phát biểu phát động ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: “Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, chúng ta cần phải lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống. Hãy biết tranh thủ thời cơ của công nghệ thông tin để khai thác những nội dung mong muốn, cùng phối hợp hài hòa với đọc sách truyền thống chắc chắn sẽ mang lại cho mỗi chúng ta hiệu quả thiết thực cho cuộc sống và sự nghiệp”.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát động ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 trong Ban Cơ yếu Chính phủ
Như chúng ta đã biết, sách có một vai trò rất lớn, rất quan trọng đó là góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Bởi vì sách là hiện thân của trí tuệ, của tinh hoa nhân loại. Sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; Sách là nơi chứa đựng những kiến thức, những thông tin, những trí tuệ và vô vàn những thứ tuyệt diệu khác mà con người tìm được, phát hiện được và đúc kết được. Chính vì vậy đọc sách đúng cách hay văn hóa đọc là một trong những hoạt động văn hóa của con người nhằm tiếp nhận thông tin và tri thức về các lĩnh vực trong đời sống con người. Phát triển văn hóa đọc giúp mỗi cá nhân con người nâng cao hiểu biết, cập nhật kiến thức để phục vụ cho học tập, nghiên cứu, công tác và trong cuộc sống.
Với chuyên đề “Văn hóa đọc trong thời đại 4.0”, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của bản thân về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong thời đại công nghệ hiện nay, việc đọc không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các phương tiện nghe nhìn, nền tảng số… Việc phát triển văn hóa đọc thông qua bất cứ hình thức nào cũng đều hướng đến mục tiêu lan tỏa những hiệu ứng tích cực, khuyến khích phong trào đọc sách, xây dựng một xã hội học tập góp phần phát triển văn hóa con người, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng chia sẻ về văn hóa đọc sách của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với câu chuyện hết sức thú vị về văn hóa đọc sách và truyền thống giáo dục của người Do Thái.
Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ chuyên đề “Văn hóa đọc trong thời đại 4.0”
Cũng trong sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Ban Cơ yếu Chính phủ và Hoc viện Kỹ thuật mật mã đã tiếp nhận sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Nhà sách Huy Hoàng tặng, đồng thời giới thiệu, ra mắt Thư viện Học viện Kỹ thuật mật mã, một trong những thư viện lớn, hiện đại vừa được hoàn thành trong năm 2023.