Trong lĩnh vực CNTT tại Chương V gồm 4 Mục với 33 Điều (từ Điều 74 đến Điều 106) quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như dưới đây.
Hành vi vi phạm về các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT
Mục 1 với 4 Điều (từ Điều 74 đến Điều 77) quy định hành vi vi phạm về các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT như: Vi phạm các quy định về phát triển công nghiệp CNTT; Vi phạm các quy định về cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dụng và phát triển CNTT, phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu cơ sở dữ liệu hoặc cản trở việc sử dụng cơ sở dữ liệu của chủ sở hữu khi thực hiện tái sản xuất, phân phối, quảng bá, truyền đưa, cung cấp nội dung hợp thành cơ sở dữ liệu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính để khắc phục hậu quả. Phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 170 triệu đồng đối với hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc phá hoại thông tin trên môi trường mạng, đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi; Vi phạm quy định về nhập khẩu, gia công tái chế, sửa chữa sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; Vi phạm quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và bổ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT.
Hành vi vi phạm về ATTT mạng
Mục 2 với 16 Điều (từ Điều 78 đến Điều 93) quy định các hành vi vi phạm về ATTT mạng, bao gồm: Vi phạm các quy định về đảm bảo ATTT và ứng cứu sự cố ATTT mạng; Vi phạm quy định về an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số, chứng thư số. Theo đó, với hành vi cản trở pháp luật hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số hoặc không bảo đảm bí mật, an toàn trong việc lưu trữ thông tin liên quan đến nhân thân của tổ chức, cá nhân xin cấp chứng thư số sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi: Không có phương án dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra; Trộm cắp khóa bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; Tiết lộ hoặc cung cấp khóa bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia trái pháp luật…
Điều 80 quy định rõ về vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng. Theo đó, đối với các hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Khoản 1); Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với các hành vi sau: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng (Khoản 2). Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.
Trong Mục này cũng đưa ra hình thức xử phạt đối với các hành vi: Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý gửi thông tin trên mạng; Vi phạm quy định về phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại; Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân; Vi phạm quy định về cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; Vi phạm quy định về bảo đảm ATTT cá nhân trên mạng; Vi phạm quy định về biện pháp giám sát an toàn, bảo vệ hệ thống thông tin; Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Vi phạm quy định về bảo đảm ATTT mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; Vi phạm quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng…
Hành vi vi phạm về chống thư rác, tin nhắn rác và cung cấp dịch vụ nội dung
Mục 3 với 4 Điều (từ Điều 94 đến Điều 97), quy định hành vi vi phạm về chống thư rác, tin nhắn rác và cung cấp dịch vụ nội dung. Các Điều khoản trong mục này quy định rõ về hình thức xử phạt, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi: Vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ; Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, dịch vụ nội dung qua tin nhắn; Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.
Hành vi vi phạm về thông tin trên mạng
Mục 4 từ Điều 98 đến Điều 106, quy định hành vi vi phạm về thông tin trên mạng. Đối với vi phạm quy định về Giấy phép thiết lập mạng xã hội (Điều 98), theo đó, đối với hành vi thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục là buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền.
Đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội (Điều 100), phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với các hành vi: Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Chủ động đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;
Chủ động đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Chủ động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 8 tháng đến 12 tháng, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật và thu hồi tên miền để khắc phục hậu quả.
Theo Điều 101 của Nghị định này, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao dịch điện tử, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rõ trong Chương VI gồm 6 Điều (từ Điều 107 đến Điều 112). Các Điều, khoản trong Chương này quy định rõ về Vi phạm các quy định chung về điều kiện hoạt động; Vi phạm các quy định về quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng; Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và chứng thư số; Vi phạm quy định về sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số và chứng thư số; Vi phạm quy định về giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam và Vi phạm quy định về phí, lệ phí.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.