Nghị quyết 36: Kim chỉ nam cho phát triển CNTT Việt Nam trong giai đoạn tới

08:59 | 16/10/2014

Ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) đã phát triển như vũ bão và lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. CNTT ở Việt Nam đã có giai đoạn phát triển với những thành tích ấn tượng, đã trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật đóng góp ngày càng to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Vị thế của CNTT Việt Nam trên trường quốc tế liên tục được cải thiện.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng. Các quyết sách, chỉ đạo của Đảng về CNTT điển hình là Chỉ thị 58-CT/TW, ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là những quyết sách đúng đắn, kịp thời và là yếu tố quyết định giúp cho CNTT Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức để có được thành tích và sự phát triển ngày nay. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 (Nghị quyết 36) ngày 1/7/2014 tiếp tục khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT, khẳng định vị trí, vai trò của CNTT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong Nghị quyết 36 là tiền đề quan trọng để CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển ngành CNTT nước ta trong khoảng 10 - 20 năm tới.
Cơ hội để CNTT phát triển mạnh mẽ
CNTT đã được Đảng và Nhà nước xác định là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khóa mở ra cánh cửa để dân tộc ta bước vào giai đoạn mới. Trong Nghị quyết 36, Bộ Chính trị đã khẳng định 4 quan điểm chính: Thứ nhất, CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Thứ hai, ứng dụng, phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thu hút các tập đoàn công nghiệp CNTT đa quốc gia, hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển.
Thứ tư, đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt, tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trên cơ sở các quan điểm chính trên, Nghị quyết 36 đã chỉ rõ mục tiêu phải đạt được thời gian tới, đó là: CNTT phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người Việt Nam và nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia trong chiến tranh mạng. Đến năm 2030, đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT đạt trình độ tiên tiến thế giới; Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT.
Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Trong các nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình Internet, Nghị quyết 36 nêu rõ:
- Gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng, phát triển CNTT với bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật hệ thống thông tin và cơ sử dữ liệu quốc gia; Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hạ tầng thông tin trọng yếu; Phát huy vai trò của các lực lượng bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bí mật nhà nước; Thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, quân đội, ngoại giao, cơ yếu, thông tin và truyền thông.
- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, máy tính và mạng máy tính của các tổ chức, doanh nghiệp rong nước; Khuyến khích nhiều nhà sản xuất cùng tham gia phát triển, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp an toàn, an ninh thông tin.
- Xây dựng tiềm lực về công nghệ, cơ sở vật chất và nhân lực đủ khả năng bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội, bảo đảm an toàn mạng, an ninh thông tin; Tăng cường khả năng phòng, chống và ứng cứu các sự cố về an toàn, an ninh thông tin; phối hợp chặt chẽ giưa các cơ quan bộ, ngành địa phương, các cơ quan chuyên trách để sãn sàng, chủ động phòng ngừa và xử lý các tình huống phát sinh.
Đưa Nghị quyết 36 vào cuộc sống
Để đưa Nghị quyết 36 vào cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của giới CNTT, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng, Chính phủ xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết, đồng thời giao các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Nghị quyếtnày.
Hiện nay, Chương trình hành động của Chính phủ nhằm chi tiết các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36 đang được xây dựng. Khi Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, các cấp, các ngành, địa phương sẽ căn cứ theo Chương trình này để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trước mắt, các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt để thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn Nghị quyết 36 đã đề ra. Trong đó, cần chú ý triển khai ngay nhiệm vụ thứ nhất về đổi mới, nâng cao nhận thức về ứng dụng, phát triển CNTT với những nội dung quan trọng như: quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quan điểm mới, vai trò, vị trí của CNTT, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng, phát triển CNTT trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình; đảm bảo ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan.

 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về ứng dụng, phát triển CNTT
- Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường lãnh đao của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT.
  • - Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT.
  • - Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại.
  • - Ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao.
  • - Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức.
  • - Phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới.
  • - Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình Internet.
  • - Tăng cường hợp tác quốc tế.