Nhiều địa phương khó khăn khi triển khai Chính phủ điện tử

14:15 | 30/11/2015

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về triển khai Chính phủ điện tử đến các ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai Chính phủ điện tử, đặc biệt là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn.


Mô hình Chính phủ điện tử tại Đà Nẵng

Ngày 14/10/2015, Chính phủ vừa ra Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; Xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên Internet là những nội dung trọng yếu. Tuy nhiên, việc triển khai Chính phủ điện tử nó chung và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cho biết, tỉnh Hậu Giang đang triển khai 2.400 dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, hầu hết mới được triển khai ở mức độ 2, rất ít dịch vụ triển khai ở mức 3, 4 theo yêu cầu từ Trung ương. Tỉnh mới có 30 dịch vụ ở mức độ 3, 4 trong đó Sở TT&TT quản lý 23 dịch vụ; Đường truyền riêng hiện chỉ nối từ tỉnh xuống huyện để phục vụ việc họp trực tuyến, chưa về đến các xã nên chưa triển khai được các phần mềm.

Theo ông Tâm, có rất nhiều lý do khiến việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử gặp khó ở địa phương. Đáng kể là, tuy Trung ương có phân bổ ngân sách cho xây dựng Chính phủ điện tử (theo Nghị quyết 36a) nhưng áp dụng về địa phương còn rất khó khăn. Trong khi đó, hạ tầng và ứng dụng CNTT tại Hậu Giang còn hạn chế do vốn đầu tư cho CNTT mỗi năm không nhiều.

Ngoài ra, trở ngại lớn khi triển khai các ứng dụng dịch vụ công là nguồn nhân lực CNTT còn yếu. Hầu hết các sở, ngành, huyện thị đều có cán bộ chuyên trách CNTT nhưng còn chưa có kinh nghiệm và chỉ quản lý ở mức cơ bản. Một số cán bộ được luân chuyển công tác nên những người có chuyên môn về CNTT lại được luân chuyển đến vị trí không liên quan đến CNTT. Theo đánh giá, hiện chỉ có khoảng 50% cán bộ công chức CNTT có thể đảm đương công việc do chất lượng đầu vào yếu.

Cũng là một địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đến các cấp địa phương. Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng cho biết: Hiện ở Sóc Trăng, mô hình 1 cửa điện tử đã được triển khai đến các quận, huyện, thành phố và 13/18 sở, ngành. Tuy nhiên, ở các đơn vị cấp dưới tỉnh này mới triển khai được 60/109 đơn vị xã, phường trên toàn tỉnh. Hệ thống văn bản điện tử chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan cũng chỉ triển khai ở 12 đơn vị cấp tỉnh và huyện.

Đồng ý kiến với đại diện Sở TT&TT Hậu Giang, ông Võ Thanh Quang cho rằng, ngoài nguồn vốn CNTT phân bổ về địa phương thì chất lượng cán bộ chuyên trách CNTT là một trong những trở ngại chính trong việc triển khai Chính phủ điện tử, nhất là ở các địa phương không có thế mạnh. Tại Sóc Trăng, mới chỉ có một số sở, ngành có cán bộ chuyên trách phục vụ trực tiếp, còn lại các cán bộ phụ trách đều là kiêm nhiệm. Ở tuyến huyện, tuy có thành lập ban chỉ đạo CNTT phụ trách cho các hệ thống CNTT và một cửa nhưng cũng thiếu cán bộ chuyên trách chất lượng.

Chế độ dành cho cán bộ CNTT rất thấp nên không thể thu hút được nguồn cán bộ CNTT tốt để phục vụ cho các sở, ngành. Ngoài ra, nguồn này không ổn định do cán bộ bị luân chuyển liên tục. Khi các cán bộ CNTT đào tạo xong lại bị luân chuyển sang vị trí khác, đặc biệt là với cán bộ huyện, xã. Vì vậy, quan tâm đến nguồn và chất lượng cán bộ CNTT là một trong những yếu tố tiên quyết nếu muốn triển khai Nghị quyết về Chính phủ điện tử trong thời gian tới. Ngoài ra, ông Quang đề xuất trong xây dựng một cửa điện tử, Bộ TT&TT nên đưa ra chuẩn cụ thể cho các địa phương áp dụng.

Ông Lê Thanh Tâm, Sở TT&TT Hậu Giang kiến nghị, thời gian tới, Trung ương nên có chính sách phân bổ nguồn vốn cho ngân sách CNTT về địa phương hoặc cần có một quy định cụ thể, yêu cầu địa phương trích một phần ngân sách đầu tư cho CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử.

Box: Mô hình 4 mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với Chính phủ điện tử, bao gồm:
Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.

Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn.

Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.

Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.