Nhiều hãng công nghệ của Mỹ gặp khó khăn do khủng hoảng Ukraine

10:16 | 02/03/2022

Những “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc đưa ra hành động liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đồng thời phải đối mặt với các biện pháp trả đũa từ Nga.

Các mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube có sức mạnh đặc biệt vì chúng có phạm vi tiếp cận toàn cầu và có mặt ở khắp mọi nơi. Song đây đều là những công ty hoạt động vì lợi nhuận, nên việc đưa ra một lập trường cứng rắn có thể gây bất lợi cho việc kinh doanh của họ.

Kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang dẫn đến hành động quân sự giữa hai quốc gia, phía Ukraine đã thúc giục các công ty, từ Apple đến Google và Netflix cắt đứt hoạt động liên quan tới phía Nga. Trong đó, Facebook cho biết dịch vụ của họ đã bị hạn chế vì từ chối tuân theo các yêu cầu của Nga.

Twitter đã phải đối mặt với các án phạt và tốc độ chậm hơn vào năm ngoái do tuân theo yêu cầu xóa một số nội dung nhất định của phía chính phủ, hôm 26/2 báo cáo rằng dịch vụ của họ "đang bị hạn chế đối với một số người ở Nga”.

Cho đến nay, một số công ty đã đưa ra các động thái thận trọng. Ví dụ: Meta (công ty mẹ của Facebook) và mạng chia sẻ video YouTube đều đã tuyên bố hạn chế khả năng kiếm tiền của các phương tiện truyền thông nhà nước Nga trên nền tảng của họ.

Thông báo của Youtube cho hay họ đang tạm dừng khả năng kiếm tiền của nhiều kênh, bao gồm các kênh có liên quan đến lệnh trừng phạt gần đây áp đặt lên Nga. Youtube nói thêm họ đã hạn chế quyền truy cập vào RT và một số kênh khác ở Ukraine.

Chính phủ Ukraine đã kêu gọi sự giúp đỡ từ tất cả các bên, bao gồm cả Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple. Trong một bức thư được đăng tải lên Twitter hôm 25/2, Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov đã kêu gọi Apple ngừng cung cấp các dịch vụ và sản phẩm cho Nga, bao gồm cả việc chặn quyền truy cập vào cửa hàng ứng dụng Apple Store.

Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng leo thang, các công ty công nghệ bị cáo buộc đã không làm hết sức có thể để ngăn chặn những thông tin sai lệch nguy hiểm liên quan đến tình hình.

Còn theo giới quan sát, tuy các công ty công nghệ luôn cho mình là những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng họ cũng đã thu về nhiều tỷ USD doanh thu quảng cáo từ các nội dung có thể gây hại cho người dùng trên các nền tảng của mình