Nhận diện những yếu tố tác động của an ninh phi truyền thống
Hiện nay, an ninh quốc gia không còn được hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao gồm: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, an ninh môi trường, di cư bất hợp pháp, an ninh năng lượng và an ninh con người. Thuật ngữ ANPTT cho biết ngoài việc bảo vệ chủ quyền quốc gia - còn bao gồm cả việc bảo vệ con người (cá nhân) và cộng đồng trước những mối đe dọa và nhân tố mang tính xuyên quốc gia, phi chính trị, phi quân sự, nhất là an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Theo nhiều nhà khoa học an ninh và quân sự các dấu hiệu nhận biết cơ bản về ANPTT như sau:
Về đối tượng tác động: Các vấn đề ANPTT có thể uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, quốc gia - dân tộc.
Về tính chất, mức độ: Vấn đề ANPTT có cả những vấn đề mang tính phi bạo lực về kinh tế, văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh... và những vấn đề mang tính bạo lực, nhưng đó là bạo lực phi quân đội như: Khủng bố, tội phạm có tổ chức...
Về phạm vi: Các vấn đề ANPTT diễn ra ảnh hưởng trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, mang tính xuyên quốc gia. Nó có thể phát sinh từ một quốc gia này nhưng có khả năng lan tỏa với tốc độ nhanh, phạm vi rộng đến quốc gia khác như biến đổi khí hậu, tội phạm mạng, dịch bệnh lây lan nhanh ở người, gia súc và cây trồng.
Về mặt thời gian: ANPTT xuất hiện muộn hơn an ninh truyền thống. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, nhiều mối đe dọa ANPTT đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử như: Dịch bệnh, khan hiếm lương thực, khủng bố,.. nhưng do diễn ra ở phạm vi nhỏ hẹp.
Về quy mô ảnh hưởng: Các yếu tố tác động của ANPTT có thể hủy hoại an ninh quốc gia dần dần và lâu dài, vì nó tác động đến các yếu tố mang tính hạt nhân hoặc bệ đỡ cho ổn định và phát triển cá nhân con người, cộng đồng xã hội, hệ thống thể chế, hạ tầng kỹ thuật chiến lược và môi trường sống. Các vấn đề ANPTT có điều kiện phát tác nhanh, lan tỏa rộng, ảnh hưởng lớn, trở thành mối quan tâm toàn nhân loại.
Đảm bảo an toàn thông tin mạng dưới tác động của yếu tố ANPTT đòi hỏi đặt ra là cần phải bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin. Đảm bảo thông tin không có hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa ANPTT.
Những thách thức tiềm ẩn về an toàn thông tin dưới tác động của các vấn đề anptt ở việt nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, Internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Xuất hiện hàng nghìn trang thông tin điện tử, blog, trang mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook, có nội dung xấu, đăng tải ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hoạt động tình báo mạng, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất là hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, tổ chức trọng yếu vẫn sẽ là mục tiêu tấn công xâm nhập của tin tặc nước ngoài; nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp phòng, chống hữu hiệu.
Trước tình hình trên, chúng ta cần có cách tiếp cận một cách đúng đắn, khoa học về thách thức ANPTT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, ANPTT không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Nhìn dưới góc độ an toàn thông tin, các mối đe dọa từ ANPTT mà cụ thể là mặt trái của Internet đang được coi là “chiến trường thứ 5” trong cuộc tranh đấu vì lợi ích của con người, khiến an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng đang thực sự trở thành mối lo ngại đối với an ninh quốc gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam. Qua nghiên cứu tổng hợp, các báo cáo cho thấy một số thách thức tiềm ẩn về an toàn thông tin dưới tác động của các vấn đề ANPTT ở Việt Nam như sau:
- Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Việc sử dụng mạng Internet để thực hiện hành vi mua bán tiền ảo, tiền giả, rửa tiền; buôn bán ma túy, mua bán người xuyên quốc gia, gian lận thương mại, trốn thuế; tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức khác nhau với quy mô lớn và gia tăng theo từng năm. Theo báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an thì hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng bị tấn công, chỉnh sửa, chèn nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm tên miền .gov của các cơ quan nhà nước. Chỉ tính riêng năm 2020, đã ghi nhận hơn 500.000 cảnh báo tấn công mạng với nhiều hình thức tinh vi, trong đó phần lớn liên quan đến tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật và tấn công sử dụng mã độc. Trung bình có khoảng 500 cuộc tấn công mạng được ghi nhận trong mỗi giây và hơn 300 mã độc mới được tạo ra trong vòng một phút. Trong năm 2021, các cuộc tấn công giả mạo qua email ngày càng trở nên tinh vi, nguy hiểm hơn.
- Việc có nhiều thiết bị kết nối Internet, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới IoT là nguy cơ dẫn đến lộ lọt bí mật nhà nước và các thông tin cá nhân, quyền riêng tư, các đối tượng triệt để lợi dụng các kẽ hở trong bảo mật thông tin, bảo mật tài liệu để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm đánh cắp thông tin và sử dụng để can thiệp hoạt động chính trị hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Theo số liệu do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, trong năm 2020, đã phát hiện chiến dịch tán phát 23 mã độc tại Việt Nam liên quan đến COVID-19. Các tập tin độc hại được ẩn dưới vỏ bọc của tệp pdf, mp4 và docx. Các tệp này chứa một loạt mã độc, có khả năng phá hủy, chặn, sửa đổi hoặc sao chép dữ liệu cũng như can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính.
- Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh sự bùng nổ của công nghệ, các thông tin thất thiệt trên mạng Internet gây nhiễu loạn, hoang mang trong dư luận. Việc quản lý cán bộ, chiến sĩ tham gia các trang mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Instagram, Twitter…; việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại chưa được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, bí mật nhà nước ngày càng gia tăng. Tình trạng xuất hiện các bài viết mang tính chất đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhằm kích động, lôi kéo người dân có những phát ngôn, hành vi chống lại chính quyền đang tràn lan trên Facebook, blog cá nhân, Youtube,... sẽ khiến nhiều bộ phận công dân, đặc biệt là giới trẻ có những suy nghĩ, hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, gây ra mối hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia dân tộc, uy hiếp và hủy hoại các yếu tố tạo nền tảng cho phát triển của cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc.
Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành
Một số giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin phòng ngừa tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống
Tình hình trên đặt ra yêu cầu đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, Quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ, cá nhân. Quán triệt, tuyên truyền phổ biến, thực thi Luật Cơ yếu nhằm nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, nhân viên, thậm chí đến người dân về bảo vệ thông tin bí mật nhà nước nói chung và thông tin bí mật cá nhân nói riêng.
Hai là, Tăng cường công tác thông tin về âm mưu, thủ đoạn, phương thức lấy cắp thông tin của đối tượng, đối tác và tin tặc; tăng cường triển khai giải pháp, biện pháp, trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông bao gồm giải pháp về con người, nguồn nhân lực, công tác quản lý (chú trọng đến quy định kết nối Internet, sử dụng Email, sử dụng điện thoại, Fax... quy định về cung cấp thông tin), đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cơ sở.
Ba là, Có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin trong xử lý các sự cố, cũng như trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong các đơn vị an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội; kiểm tra và xây dựng các phương án phòng, chống các thủ đoạn tấn công mạng máy tính trên tất cả các lĩnh vực.
Bốn là, Tăng cường sử dụng nguồn lực con người, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ; xây dựng cơ cấu tổ chức, đào taọ bồi dưỡng cán bộ chuyên trách bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đủ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Năm là, Tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền của Nhà nước và các bộ, ngành tiếp tục tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Có kế hoach bảo đảm phương tiện, ngân sách cho nhiệm vụ giám sát, kiểm tra và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong đó cần ưu tiên đến các hạng mục liên quan đến an ninh, an toàn mạng. Chúng ta không thể chặn đứng hoặc tiêu diệt được hết tin tặc và vô hiệu hóa tất cả các cuộc tấn công trên mạng. Tuy nhiên, giải pháp tổng thể, hữu hiệu được áp dụng thì rủi ro, nguy cơ và hiển họa lộ, lọt thông tin bí mật trên mạng viễn thông và công nghệ thông tin sẽ được hạn chế một cách đáng kể. Chỉ khi nào nguồn tài nguyên thông tin quốc gia được bảo đảm một cách an toàn tin cậy thì an ninh - quốc phòng với thực sự vững mạnh và kinh tế - xã hội mới thực sự phát triển.