Theo bà Bontcheva, trưởng nhóm nghiên cứu trên, các trang mạng xã hội luôn tràn ngập các thông tin giả dối hoặc lừa bịp, có thể ảnh hưởng rộng rãi.
Hiện chúng ta đã xử lý nhiều thách thức liên quan đến thông tin, tốc độ lan truyền, hình thức của thông tin như video, ảnh và các trang tin cá nhân, nhưng không thể phân tích thông tin nào là đúng. Điều này gây khó khăn, đặc biệt là cho các dịch vụ khẩn cấp trong việc đối phó với những tin đồn. Hệ thống sàng lọc thông tin mà các nhà khoa học đang nghiên cứu xây dựng sẽ giúp lọc thông tin thông qua việc truy tìm dấu vết và xác minh thông tin.
Hệ thống này sẽ xác định 4 loại thông tin là suy đoán, gây tranh cãi, tin sai và tin giả, sau đó sẽ mô phỏng sức lan truyền của những thông tin này trên các trang mạng xã hội. Để đánh giá sự chính xác của thông tin trên mạng Internet, hệ thống này sẽ dựa trên 3 yếu tố - chính bản thân thông tin đó (từ vựng, cú pháp và ngữ nghĩa), tra cứu với các nguồn thông tin tin cậy, và sự phổ biến của thông tin. Kết quả của sự phân tích này sẽ hiển thị trên màn hình máy tính của người sử dụng.
Công trình trên đang được các nhà khoa học từ 5 trường đại học của Anh, Đức và Áo, phối hợp với 4 công ty ở Tây Ban Nha, Kenya, Bungaria và Thụy Sĩ nghiên cứu. Đây là dự án do Liên minh châu Âu tài trợ với tên gọi PHEME, có chi phí khoảng 4,3 triệu euro trong vòng 3 năm. Dự kiến phiên bản cuối cùng của chương trình sàng lọc thông tin này sẽ được công bố và đưa vào sử dụng trong 18 tháng nữa./.