Để trả lời cho câu hỏi ứng dụng điện thoại có thể thu thập thông tin cá nhân thông qua theo dõi vị trí đến mức độ nào, hai nhà nghiên cứu Mirco Musolesi (Đại học Bologna, Ý) và Benjamin Baron (Đại học College London, Anh) đã thực hiện một nghiên cứu thực tế bằng một ứng dụng được phát triển riêng cho nghiên cứu này.
Thông qua ứng dụng được sử dụng trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu có thể xác định loại thông tin cá nhân mà ứng dụng trích xuất và độ nhạy cảm về quyền riêng tư của nó theo người dùng.
Ông Musolesi giải thích, phần lớn người dùng không ý thức về việc xâm phạm quyền riêng tư của một số quyền mà họ cấp cho các ứng dụng và dịch vụ, đặc biệt là đối với thông tin theo dõi vị trí.
Nhờ các kỹ thuật học máy, những dữ liệu này cung cấp thông tin nhạy cảm như nơi sống, thói quen, sở thích, nhân khẩu học và thông tin về tính cách của người dùng.
Vi phạm quyền riêng tư của người dùng
Đây là nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên nhằm tìm kiếm phạm vi thông tin cá nhân có thể được trích xuất từ dữ liệu theo dõi vị trí. Do đó, nghiên cứu cũng chỉ ra vì sao thu thập thông tin như vậy có thể được coi là vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Để đạt được mục tiêu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một ứng dụng di động có tên TrackingAvisor và liên tục thu thập vị trí của người dùng.
Từ dữ liệu vị trí, ứng dụng có thể trích xuất thông tin cá nhân và yêu cầu người dùng đưa ra phản hồi về tính chính xác của thông tin đó, cũng như đánh giá mức độ liên quan của nó về độ nhạy cảm về quyền riêng tư.
69 người dùng đã tham gia vào nghiên cứu này và sử dụng TrackingAvisor trong ít nhất hai tuần. TrackingAdvisor đã theo dõi hơn 200.000 địa điểm, xác định khoảng 2.500 địa điểm và thu thập gần 5.000 mẫu thông tin cá nhân về cả nhân khẩu học và tính cách. Trong số các dữ liệu thu thập được, người dùng nhận thấy rằng, những thông tin nhạy cảm nhất là những thông tin về sức khỏe, tình trạng kinh tế xã hội, dân tộc và tôn giáo.
Ông Musolesi cho hay, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng điều quan trọng là cần cho người dùng thấy số lượng và chất lượng thông tin mà các ứng dụng có thể thu thập thông qua theo dõi vị trí. Điều quan trọng không kém là hiểu được liệu người dùng nghĩ rằng việc chia sẻ thông tin với các nhà quản lý ứng dụng hoặc hãng quảng cáo là chấp nhận được, hay cho đó là vi phạm quyền riêng tư.
Thiết kế các hệ thống quảng cáo có chủ đích để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng
Theo các nhà nghiên cứu, những phân tích như vậy đã mở đường cho việc thiết kế các hệ thống quảng cáo có chủ đích giúp người dùng bảo vệ quyền riêng tư của họ, đặc biệt với những dữ liệu mà họ cho là nhạy cảm hơn.
Ông Musolesi xác nhận, nhờ những hệ thống như vậy, mà những người dùng quan tâm đến việc bảo vệ thông tin về sức khỏe của mình có thể nhận được thông báo mỗi khi họ đến phòng khám hoặc bệnh viện.
Điều này cũng có thể dẫn đến sự phát triển của các hệ thống có thể tự động chặn việc thu thập dữ liệu nhạy cảm từ các bên thứ ba nhờ các cài đặt quyền riêng tư đã được xác định trước đó.