Chương trình nhận dạng danh tính mới này có tên Alicem, được lên kế hoạch triển khai vào tháng 11/2019 tới. Chính phủ Pháp cho biết, chương trình sẽ giúp chính quyền hoạt động hiệu quả hơn bằng việc cho phép người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công như đóng thuế hay an sinh xã hội trực tuyến thông qua danh tính số.
Pháp sẵn sàng trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để cung cấp cho công dân một bản thông tin kỹ thuật số an toàn, cho dù công dân có muốn hay không. Nhận diện khuôn mặt sẽ là cách duy nhất để người dân Pháp tạo thông tin nhận diện kỹ thuật số hợp pháp. Người dân sẽ đăng ký một lần bằng cách đối chiếu ảnh chụp hộ chiếu với ảnh selfie trên ứng dụng Alicem.
Với động thái này, Pháp cùng nhiều nước khác trên thế giới đang tạo phiên bản "nhân dạng kỹ thuật số" của Google, nhằm cung cấp cho công dân quyền truy cập an toàn vào mọi dịch vụ, từ thuế cho đến tài khoản ngân hàng. Singapore đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trong khi Anh đang có kế hoạch chuẩn bị phát hành hệ thống riêng của mình. Tại Ấn Độ đã sử dụng công nghệ quét mống mắt.
Chính phủ Pháp tuyên bố, hệ thống sẽ không được sử dụng để theo dõi người dân. Không như tại Trung Quốc hay Singapore, Pháp không tích hợp thông tin sinh trắc học nhận dạng khuôn mặt vào cơ sở dữ liệu nhận dạng của công dân. Trên thực tế, Bộ Nội vụ Pháp, nơi phát triển ứng dụng Alicem đã cho biết, dữ liệu nhận dạng khuôn mặt được lấy về sẽ được xóa ngay sau khi quá trình kiểm tra hay đăng ký kết thúc. Tuy nhiên, điều này không khiến công dân khỏi lo lắng về những rủi ro tiềm năng của nó.
Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ dữ liệu Pháp cho rằng, chương trình này đã vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu vì nó cần được cấp quyền để thu thập dữ liệu. Đến nay, chương trình này vẫn đang được Tòa án Tối cao Pháp xem xét.
Các nhà chức trách cho biết, mức độ bảo mật của Alicem đang ở mức cao nhất là cấp độ bang. Tuy nhiên vào tháng 4/2019, Robert Baptiste - một tin tặc có tên Elliot Alderson trên Twitter, đã có thể truy cập vào một trong những ứng dụng có mức độ bảo mật rất cao của chính phủ trong vòng 75 phút. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng an ninh trực tuyến của chính phủ. Dù vậy, Bộ Nội vụ Pháp vẫn kiên quyết tiến hành dự án này theo kế hoạch bất chấp cả hai vấn đề trên.
Trên thế giới, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được ứng dụng và thử nghiệm ngày càng nhiều. Camera giám sát trực tuyến trên đường phố tại xứ Wales được tòa án London đánh giá là hợp pháp trong tuần đầu tháng 10/2019. Trong khi Đức, Hà Lan và Italy cũng dùng nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra nhanh tại biên giới.