Phát hiện lỗ hổng bảo mật trên giao thức không dây Bluetooth

10:46 | 25/05/2020
M.H

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một lỗ hổng mới trong giao thức không dây Bluetooth, hiện đang được sử dụng rộng rãi để kết nối các thiết bị hiện đại như smartphone, máy tính bảng, máy tính xách tay và thiết bị IoT thông minh. Lỗ hổng này có thể cho phép kẻ tấn công theo dõi dữ liệu truyền giữa hai thiết bị.

Lỗ hổng có tên là BIAS (Bluetooth Impersonation AttackS), tạm dịch là các cuộc tấn công giả danh Bluetooth, nhằm vào các thiết bị có kết nối Bluetooth và các phần cứng từ Apple, Broadcom, Cypress, Intel, Samsung và các công ty khác.

Lỗ hổng bảo mật BIAS tồn tại ở cách các thiết bị xử lý khóa liên kết, còn được gọi là khóa phiên dài hạn. Khóa này được tạo ra khi hai cặp thiết bị Bluetooth thực hiện kết nối lần đầu tiên. Hai thiết bị này đồng ý về một khóa kết nối dài hạn mà chúng sử dụng phục vụ cho các phiên kết nối trong tương lai mà không phải buộc chủ sở hữu thiết bị phải trải qua quá trình ghép nối dài dòng mỗi khi các thiết bị Bluetooth cần kết nối với nhau.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lỗ hổng trong quá trình xác thực sau liên kết này. Lỗ hổng có thể cho phép kẻ tấn công giả mạo danh tính của thiết bị đã được kết nối trước đó và xác thực thành công, kết nối với thiết bị khác mà không cần biết khóa kết nối dài hạn đã được thiết lập trước đó giữa hai thiết bị. Khi một cuộc tấn công BIAS thành công, kẻ tấn công có thể truy cập hoặc kiểm soát một thiết bị bluetooth khác.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đã thử nghiệm cuộc tấn công vào một loạt các thiết bị, bao gồm điện thoại thông minh (iPhone, Samsung, Google, Nokia, LG, Motorola), máy tính bảng (iPad), máy tính xách tay (MacBook, HP Lenovo), tai nghe (Philips, Sennheiser) và các chip (Raspberry Pi, Cypress). Đồng thời các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra các chip Bluetooth từ Cypress, Qualcomm, Apple, Intel, Samsung và CSR. Tất cả các thiết bị được kiểm thử đều dễ bị tấn công BIAS.

Liên quan đến vấn đề này, tổ chức Bluetooth SIG cho biết, họ đã cập nhật thông số kỹ thuật cho Bluetooth để ngăn kẻ tấn công BIAS. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp thiết bị Bluetooth dự kiến sẽ tung ra các bản cập nhật firmware trong những tháng tới để khắc phục sự cố. Tình trạng và tính khả dụng của các cập nhật này hiện chưa rõ ràng, ngay cả đối với nhóm nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra vụ tấn công BIAS gồm có: Daniele Antonioli từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, Kasper Rasmussen từ Trung tâm An ninh thông tin CISPA Helmholtz ở Đức và Nils Ole Tippenhauer từ Đại học Oxford, Anh.

Khi kẻ tấn công kết hợp BIAS và KNOB, chúng có thể phá vỡ xác thực ngay cả trên các thiết bị Bluetooth Classic chạy ở chế độ xác thực an toàn. Do đó, các thiết bị có chức năng kết nối Bluetooth phải nhận được các bản vá chống lại các cuộc tấn công BIAS (CVE-2020-10135) và KNOB (CVE-2019-9506) để được bảo mật hoàn toàn.