Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tới dự Hội thảo có ông Mai Tiến Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Lê Trường Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; cùng đại diện một số bộ, ban, ngành, lãnh đạo một số Tỉnh, thành phố và đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp…
Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử là sự kiện thường niên, diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến các cơ quan ban ngành Chính phủ và chuyên gia công nghệ gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, giải pháp phát triển CNTT toàn diện thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý quốc gia.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, Chính phủ điện tử được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đã tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, hứa hẹn tạo ra nhiều động lực, đổi mới cho ngành thông tin và truyền thông.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Mai Tiến Dũng nhận định, Hội thảo diễn ra trong thời điểm Chính phủ đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính và Chính phủ phục vụ hướng tới người dân và doanh nghiệp. Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số đang diễn ra trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ điện tử tạo sự minh bạch, sự giám sát và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
Như vậy, ứng dụng CNTT hướng tới phát triển hoàn thiện nền tảng của Chính phủ điện tử, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng ta phát triển Chính phủ điện tử dựa trên những dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
Ông cũng nhấn mạnh Chính phủ điện tử cần đảm bảo tuyệt đối an toàn hệ thống, an toàn dữ liệu và thông tin của cá nhân.
Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng chính phủ, hạ tầng Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong năm 2019 đã có nhiều bước tiến quan trọng: Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và nghị quyết ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất sẽ sớm được ban hành; triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước đến các đơn vị (100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 93,4% quận, huyện và thị xã); nâng cấp băng thông và sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 song song với việc tăng cường an ninh bảo mật cho toàn hệ thống.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang đẩy mạnh thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với 4 nội dung chính: nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp; cung cấp nền tảng đăng nhập, thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến và nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị.