Phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông thành ngành kinh tế mũi nhọn

16:02 | 06/01/2011

Với mức đóng góp gần 7% GDP, ngành Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam đã trở thành một ngành công nghiệp năng động của đất nước.

Ngày 3/12/2010, Bộ TT&TT và Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT đã tổ chức Hội nghị Quốc gia về CNTT - TT Việt Nam 2010, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58/CT- BCT của Bộ Chính trị và triển khai đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT- TT. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và 500 đại biểu cả nước đã tham dự Hội nghị. Nội dung trọng tâm của Hội nghị là bàn thảo làm rõ nét bức tranh toàn cảnh với những thành tựu nổi bật của ngành CNTT Việt Nam và định hướng phát triển ngành công nghiệp này trong 10 năm tới. Những tham luận chính tại Hội nghị đã khẳng định trong 10 năm qua ngành CNTT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực phần mềm, đào tạo nhân lực, phát triển Internet và điện thoại di động đều có bước phát triển vượt bậc làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân, đóng góp tích cực và hiệu quả vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị đã tổng kết 6 vấn đề nổi bật: Kết quả ứng dụng CNTT; Phát triển công nghiệp CNTT, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, đầu tư trong các chương trình, dự án; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, đầu tư nghiên cứu khoa học về CNTT; Sự phát triển của hạ tầng thông tin quốc gia; Môi trường cho ứng dụng và phát triển CNTT, vấn đề ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước; Việc ưu đãi mức lương cho người làm CNTT; Công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực CNTT, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ chuyên trách về CNTT. Những nội dung tổng kết này là cơ sở để xây dựng kế hoạch triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT- TT, đến năm 2020 ngành công nghiệp CNTT- TT của Việt Nam sẽ đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong những năm qua ngành CNTT ở nước ta đã có bước phát triển đột phá, liên tục đạt mức tăng trưởng 20 – 25%/năm, nằm trong số 10 nước có CNTT phát triển nhanh nhất. Đánh giá về những tồn tại hạn chế của ngành trong 10 năm qua, Đồng chí nêu rõ, còn có sự khác biệt rất lớn trong nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương đối với việc ứng dụng và sử dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước. Việc mất cân đối quá lớn giữa các địa phương trong cùng một khu vực đã chứng minh rằng nhận thức của những người đứng đầu địa phương về CNTT sẽ quyết định việc có hay không việc phát triển CNTT ở nơi đó. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu nhạy bén, chậm ban hành những văn bản cần thiết để điều chỉnh các hoạt động của ngành CNTT, đã tạo ra những rào cản không đáng có trong quá trình phát triển CNTT ở nước ta. Để phát triển bền vững CNTT, Phó Thủ tướng đề nghị cần tổng hợp, phổ biến và nhân rộng những tấm gương điển hình trong các cơ quan Nhà nước về ứng dụng và sử dụng CNTT. Các tỉnh, thành phố có ưu thế cần tìm hiểu kinh nghiệm của UBND TP. Hồ Chí Minh để về xây dựng các công viên phần mềm có chất lượng nhằm tăng thêm sức mạnh cho ngành CNTT Việt Nam. Để chủ động cung cấp nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng nhu cầu giai đoạn sắp tới, cần đẩy mạnh tổ chức đào tạo để cung cấp nhân lực CNTT cho xã hội; các cơ quan hữu quan sớm nghiên cứu việc thay đổi chế độ lương và phụ cấp đối với những cán bộ chuyên trách về CNTT ở các Sở TT&TT toàn quốc (theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 7.000 cán bộ công chức chuyên trách đảm bảo nhiệm vụ quản lý và ứng dụng CNTT); Sớm hình thành hội đồng của các hiệu trưởng và trưởng khoa CNTT để hỗ trợ và xây dựng những chương trình giảng dạy tiên tiến, tận dụng tối đa nguồn lực từ giáo trình và chất xám từ tất cả những cơ sở giáo dục về CNTT trong nước và quốc tế. Trước những đóng góp hiệu quả của CNTT đối với sự phát triển của xã hội trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cũng cho biết, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước để cùng lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh kịp thời các chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp CNTT hoạt động và phát triển