Phát triển hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp cho các cơ quan nhà nước

15:35 | 10/07/2013

Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ là hệ thống thông tin kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành đang sử dụng độc lập trong nội bộ các Bộ, các tỉnh, cơ quan nhà nước trong toàn quốc, cùng với các hệ thống nội bộ này tạo ra hệ thống thống nhất trong toàn quốc, để trao đổi văn bản điện tử chính thức cho các cơ quan nhà nước.

Ngày 3/7/2013, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì buổi họp về phương án triển khai Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan chính phủ (e-Doc).

Hệ thống e-Doc được phát triển không hướng đến thay thế các hệ thống quản lý văn bản và điều hành nội bộ của các cơ quan nhà nước, mà kết nối liên thông giữa các hệ thống này nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015, 60% các văn bản tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử (theo Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010). Hệ thống sẽ triển khai của đến tất cả các cơ quan cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp quận, huyện, cấp xã, phường với khoảng 32.994 đầu mối.
Theo khảo sát, đánh giá về hiện trạng trao đổi văn bản giấy và phát triển hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành trong cơ quan nhà nước, tổng số văn bản giấy các cơ quan nhà nước gửi đi vào khoảng 20 triệu văn bản/năm, tương đương chi phí 130 tỷ đồng/năm. Thời gian gửi nhận văn bản giấy từ 1-7 ngày. Theo đánh giá của Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, hệ thống e-Doc nếu được triển khai thành công, với tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử lớn sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hàng triệu giờ và nhiều tỷ đồng từ việc gửi văn bản chính thức giữa các cơ quan nhà nước mỗi năm.
Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng kinh phí cần thiết để triển khai dự án e-Doc vào khoảng 184 tỷ đồng. Trong tình hình cắt giảm đầu tư công hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư và xây dựng hệ thống e-Doc là không khả thi. Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để triển khai dự án theo hình thức hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đầu tư đưa hệ thống vào sử dụng và tận dụng được nguồn nhân lực, năng lực công nghệ và hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp trong việc vận hành hệ thống thông tin lớn.
Đồng thời, Bộ TT&TTcũng đề xuất thời gian cam kết cung cấp dịch vụ là 10 năm, không bao gồm thời gian xây dựng hệ thống e-Doc. Về cách thức tính cước dịch vụ e-Doc, có 4 phương án được đặt ra nhưng Bộ lựa chọn phương án tính cước dịch vụ theo tháng gồm 2 phần, trong đó phần 1 là cước cố định và phần 2 là cước được tính theo dung lượng sử dụng thêm. Về cách thức trả cước, dự kiến áp dụng đồng thời hình thức trả tập trung trong 3 năm đầu hệ thống được đưa vào sử dụng và áp dụng hình thức trả phân tán từ năm sử dụng thứ 4. Về cách thức lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, Bộ sẽ tiến hành chọn lựa thông qua đánh giá đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về mức cước dịch vụ.
Các thành viên tham gia buổi họp đã đề xuất một số ý kiến như: để đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình triển khai và vận hành hệ thống e-Doc, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nên là doanh nghiệp Việt Nam; dự án cần đưa ra những ước tính sơ bộ về việc hàng năm Chính phủ sẽ chi bao nhiêu tiền để sử dụng dịch vụ e-Doc để có sự so sánh với chi phí bỏ ra để trao đổi văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước; dự án cũng cần làm rõ hệ thống e-Doc có chức năng lưu trữ hay chỉ làm chức năng phân phối, ngoài ra đề án cũng chưa đề cập đến căn cứ xây dựng giá cước sử dụng dịch vụ e-Doc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nêu bật tính cần thiết của việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp nhằm xóa bớt khoảng cách địa lý, ngoài ra đây cũng là xu hướng nhiều nước trên thế giới đang sử dụng. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam đều thể hiện quyết tâm và mong muốn tham gia triển khai hệ thống thông tin này. Dự án e-Doc cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung số liệu để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.