Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Nghị quyết 36-NQ/TW tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của CNTT trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho CNTT Việt Nam phát triển mạnh, sâu rộng trong thời gian tới”. Theo đó, ứng dụng CNTT là một yếu tố quan trọng, bảo đảm thực hiện ba đột phá chiến lược, là nội dung bắt buộc trong các đề án, dự án đầu tư của các bộ, ngành, các địa phương. Về hạ tầng thông tin quốc gia, sẽ kết nối băng rộng chất lượng cao tới tất cả các xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục trên cả nước. Về công nghiệp CNTT, áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng cho nghiên cứu và cung cấp dịch vụ CNTT, ưu tiên cho vay vốn đầu tư phát triển đối với các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ. Đồng thời, cần bảo đảm an toàn an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.
Tại Hội nghị, ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày về tư tưởng, quan điểm, mục tiêu, nhận thức về ứng dụng, phát triển CNTT theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã giới thiệu các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về ứng dụng, phát triển CNTT tại Nghị quyết 36-NQ/TW và Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Dự thảo Chương trình hành động đã nhận được 17 ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố. Dự thảo Chương trình hành động gồm có 3 phần và phần phụ lục. Phần 1 đưa ra các mục tiêu của chương trình hành động. Phần 2 đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Phần 3 phân công các Bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ ngành, UBND tỉnh, thành phố và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Dự kiến Dự thảo sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 10 và được ban hành vào tháng 11 năm nay.