Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển CNTT phải đi kèm với bảo đảm an toàn thông tin!

09:20 | 31/10/2014

Phó Thủ tướng khẳng định, nếu như những nỗ lực đẩy mạnh CNTT không gắn liền với việc ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

"CNTT là nhân tố không thể thiếu, động lực của mọi động lực. Tất cả các động lực mà mọi người vẫn có sẽ không thể là nó nếu như không có CNTT. Sự hội tụ tự nhiên, tất yếu của mạng xã hội, di động, đám mây và điện toán lớn (SMAC) chắc chắn sẽ tạo ra một nền tảng phát triển mới, ở đó mọi giá trị cá nhân sẽ được phát huy tối đa, từ người nông dân cho đến người làm khoa học, từ những người may mắn có điều kiện về giáo dục, vật chất cho đến những em bé bị khuyết tật... Tất cả đều có thể tìm thấy cơ hội nhờ CNTT. Các quốc gia rất nghèo đều có thể nhờ CNTT để tăng sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho chuỗi giá trị toàn cầu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014, khai mạc sáng 29/10, tại Hà Nội.
Đề cập đến vai trò của châu Á, Phó Thủ tướng cho rằng đây không chỉ là châu lục đông dân nhất mà còn là khu vực năng động nhất tại thời điểm này, với đặc thù là có nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều mức độ phát triển quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia là không thể thiếu, vì trong khi các nước đang phát triển rất cần hợp tác, sử dụng công nghệ của các nước phát triển thì ngược lại, nếu như không có vai trò của các nước đang phát triển, các nước phát triển cũng sẽ không thể phát triển được như hiện nay.
"CNTT sẽ tạo ra sự liên kết không giới hạn về không gian và thời gian, tạo ra cơ hội cho những người trước nay luôn phải chịu thiệt thòi như người nông dân có thể vươn lên", thông điệp của Phó Thủ tướng nhấn mạnh. "Tất cả chúng ta đang sống cùng CNTT như một nhu cầu thường nhật"
Phát triển CNTT phải đi kèm với bảo đảm an toàn thông tin!
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển CNTT là vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, là cuộc chiến chống lại mã độc, những cuộc tấn công có chủ đích, hacker... với mức độ thiệt hại do chúng gây ra cho thế giới "vô cùng lớn". Do đó, Phó Thủ tướng tin rằng, nếu như những nỗ lực đẩy mạnh CNTT không gắn liền với việc ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. "Cộng đồng CNTT vì tương lai của chính mình hãy cùng nhau cảnh báo và liên kết phối hợp để ngăn chặn mọi hành vi gây mất an toàn. Chỉ có như vậy, CNTT mới có thể thực sự chắp cánh cho sáng tạo cá nhân và sự phát triển của các quốc gia".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn ASOCIO - ICT Summit 2014.

Việc tăng cường liên kết giữa các quốc gia, châu lục là không thể thiếu để xây dựng trách nhiệm chung, chia sẻ kinh nghiệm các bên. Mỗi nền kinh tế, thậm chí là mỗi một ngành công nghiệp đều phải không ngừng đổi mới, tái cấu trúc, phải đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của CNTT, thúc đẩy sự sáng tạo của các cá nhân, Phó Thủ tướng kết luận.
Hướng đến một nền "Nông nghiệp thông minh"
Chủ đề của ASOCIO - ICT Summit năm nay là " Ứng dụng CNTT trong việc phát triển Nông nghiệp". Chia sẻ về chủ đề này, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một "sáng kiến" thiết thực vì Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam chưa gắn nhiều với công nghệ và CNTT.
Khách mời danh dự của Diễn đàn, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyaman cho biết Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản năm nay đã triển khai sáng kiến "Chiến lược chuỗi giá trị nông sản toàn cầu", đưa công nghệ Nhật Bản ra nước ngoài. Việt Nam và Nhật Bản đang là đối tác chiến lược của nhau, do đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận, ứng dụng các CNTT tiên tiến của Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chẳng hạn như từ tháng 4/2015, một trong những tập đoàn lớn của Nhật là Fujitsu sẽ xây dựng hai trung tâm thực nghiệm nông nghiệp 5 ha tại Gia Lâm (Hà Nội) và TP.HCM, ứng dụng các công nghệ tiên tiến Akisai như cảm biến, đám mây... để nâng cao năng suất nông nghiệp đối với các loại cây trồng. FPT sẽ là đầu mối để tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ của Fujitsu vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đã đến thời điểm chín muồi, nhưng cần hội đủ 5 yếu tố để có thể thành công là người dân được truy cập Internet, hạ tầng cáp quang, hệ thống thông tin cho nông nghiệp, đào tạo cho người dân và các phần mềm ứng dụng cho nông nghiệp.