Phòng, chống tin giả trên không gian mạng và cách nhận diện

14:12 | 01/06/2021
TS. Nguyễn Ngọc Cương , (Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) , Bộ Công an); Nguyễn Ngọc Quỳnh

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư với sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá đã và đang làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người. Tại Việt Nam, Internet chính thức xuất hiện từ năm 1997 và phát triển nhanh chóng, ngày càng thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng... Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính nặc danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động tán phát tin giả, tin sai sự thật.

Tổng quan về Tin giả

Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, Mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Dịch COVID-19 bùng phát đã làm vấn nạn tin giả trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tin giả về COVID-19 được tán phát chủ yếu thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) với nhiều mục đích, ý đồ khác nhau, được liệt kê vào 25 chủ đề tiêu cực, trong đó có 5 loại chủ đề xâm phạm an ninh quốc gia. Chỉ trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xác định khoảng 100 hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, 14.000 chuyên trang Facebook; hơn 80 kênh YouTube chống phá với tần suất cao, khoảng trên 54.000 video vi phạm thường xuyên tán phát tin giả có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, xử phạt hành chính hơn 1.000 đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin chưa chính xác về dịch COVID-19.

Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực. Thông thường, tin giả được tạo ra có mục đích vụ lợi, thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả mang nội dung riêng tư, bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật giả lẫn lộn lên mạng nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Hàng loạt cuộc biểu tình, bạo loạn nổ ra trên thế giới, gây bất ổn chính trị, xã hội trong thời gian dài ở các quốc gia đều có sự tham gia của tin giả và mạng xã hội.

Chỉ một vài thông điệp đánh đúng tâm lý, nguyện vọng, bức xúc của người dân được phát đi đã nhanh chóng tạo ra hiệu ứng đám đông, quy tụ hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người hưởng ứng, châm ngòi cho phong trào biểu tình, chống chính quyền. Điển hình như cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập” diễn ra ở các nước Châu Phi - Trung Đông (2010) làm sụp đổ chính quyền của các nước Ai Cập, Syria; biểu tình chiếm phố Wall kéo dài liên tục trong nhiều tháng, xuất phát từ New York, Mỹ và lan ra trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (2011), bạo loạn ở Anh (2011), gần đây là phong trào biểu tình “Áo vàng” ở Pháp và lan ra nhiều quốc gia, kéo dài từ năm 2018 đến nay; các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra ở tất cả 50 tiểu bang và Thủ đô Washington của Mỹ và lan ra nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, sau khi cảnh sát Mỹ bắn chết một người da màu tháng 6/2020.

Các chính sách để ngăn chặn sự lan truyền tin giả của các quốc gia trên thế giới

Vấn nạn tin giả đã trở thành mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ có Việt Nam. Nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả. Ủy ban Châu Âu (EC), Canada đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter… áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này. Đức thành lập Trung tâm phòng chống tin tức sai lệch, phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới 50 triệu EUR nếu không gỡ bỏ thông tin sai sự thật trong vòng 24 giờ sau khi có yêu cầu của chính quyền. Trung Quốc là quốc gia quản lý Internet nghiêm ngặt, ban hành hơn 60 văn bản về quản lý Internet, trong đó có Chỉ thị số 292 quy định về giới hạn đối với các nhà cung cấp nội dung trên Internet, Chính sách quản lý mạng trực tuyến quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chủ động, lập tức ghi nhận, ngăn chặn việc truyền tải thông tin vi phạm pháp luật. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nga, Australia ban hành chính sách, luật, dự luật về việc ngăn chặn, phòng, chống, kiểm soát tin giả lan truyền trên các trang mạng xã hội. Các hãng Facebook, Google và một số cơ quan thông tin khác thực hiện việc “kiểm chứng chéo” thông tin nhằm ngăn chặn những thông tin sai lệch trên Internet tại Pháp. Facebook đưa ra chính sách cấm sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng Facebook cho mục đích giám sát, bao gồm cả việc giám sát các nhà hoạt động và những người biểu tình; tuyển dụng thêm 3.000 nhân viên để kiểm duyệt, ngăn chặn các video bạo lực và thông tin sai lệch. Năm 2019, Facebook thông báo đã xóa khoảng 5,4 tỉ tài khoản giả mạo, tăng mạnh so với 3,3 tỉ tài khoản giả mạo bị xóa trong năm 2018.

Công tác đấu tranh, phát hiện, phòng chống tin giả tại Việt Nam

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 306-KH/BTGTW của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Kế hoạch số 235/KH-BCA-A05 của Bộ Công an trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; chủ động xây dựng, ban hành nhiều phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Thành lập Đội xử lý tin trên không gian mạng phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự Đại hội Đảng XIII; thành lập Đội phản ứng nhanh để kịp thời ứng phó đối với tình hình dịch bệnh COVID-19, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của đơn vị. Thường xuyên trao đổi thông tin với Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các thông tin xấu, độc.

Về biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng của Bộ Công an đã theo dõi, giám sát trên 3.000 trang mạng có nội dung xấu, độc; chủ động nắm tình hình, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình trên không gian mạng, xác minh, truy tìm, đấu tranh với đối tượng tán phát tin giả, tin sai sự thật. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên biệt, tổ chức tấn công, vô hiệu hóa các trung tâm phát tán tin giả lớn, có mức độ bảo vệ an ninh mạng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh mạng, phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông trong nước thực hiện ngăn chặn hàng nghìn trang mạng có nội dung xấu độc, máy chủ đặt tại nước ngoài; yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 10.874 bài viết, video, đường dẫn có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Tổ chức chiến dịch truyền thông quy mô lớn thông qua triển khai các hệ thống kỹ thuật để chủ động đăng tải thông tin lên không gian mạng, đồng thời phối hợp các cơ quan báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác, sức “đề kháng” của người dân khi tham gia môi trường mạng. Trực tiếp phối hợp với hơn 20 cơ quan báo chí, truyền hình, xây dựng gần 310 phóng sự, tin, bài với nội dung phong phú, đa dạng, đăng trên nhiều loại hình truyền thông như: phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, chuyên trang fanpage chính thức của các cơ quan báo chí. Triển khai đấu tranh các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, qua đó, bắt khởi tố, xử lý hình nhiều đối tượng.

Một số cách thức nhận diện tin giả

Qua công tác đấu tranh, cơ quan chức năng Bộ Công an đề nghị tham khảo một số nội dung trong nhận diện tin giả.

Một là, tăng cường sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.

Hai là, nếu là những thông tin đáng chú ý, thuộc lĩnh vực cần quan tâm, cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống. Ví dụ: đuôi tên miền .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục “Liên hệ” hoặc “Giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.

Ba là, tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”. Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.