Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN

09:51 | 08/12/2023

Ngày 7-12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Đồng chủ trì  Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Tạ Bích Loan, Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài truyền hình Việt Nam. 

Tham dự Hội thảo có 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. Đây là Hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới.

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số”. Phiên thứ hai với nội dung “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”

Quang cảnh phiên thứ nhất hội thảo.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh:  Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã có sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ trưởng thành về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng. Hội thảo ngày hôm nay là nơi để giới báo chí ASEAN trao đổi, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm trong chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, sáng kiến, cách làm tốt của các cơ quan báo chí trong khu vực để làm tốt được công việc chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu

Tham luận tại Hội thảo đi sâu vào những vấn đề về quản trị tòa soạn số hiện nay, như: Xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; quản trị tòa soạn số - cơ hội và thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí; nền tảng số và công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí số; ứng dụng công nghệ (AI, blockchain, XR, metaverse…) trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; nhân lực cho vận hành tòa soạn số; mô hình tòa soạn số và vấn đề quản trị nguồn lực thực thi tòa soạn số; quản trị tòa soạn số ở các tổ hợp báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa loại hình; quản trị tòa soạn số ở các đài phát thanh, truyền hình; vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm xây dựng và quản trị tòa soạn số…

Chiều 7-12, diễn ra phiên thứ hai “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp

Mở đầu phiên thứ hai, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus đã giới thiệu về việc đi tiên phong trong nhiều xu hướng báo chí truyền thông mới như: Đồ họa tương tác, Mega Story, RapNewsPlus, Chatbot, Podcast…. Để có những sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng, đơn vị đã không ngừng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài; đồng thời, phân phối thông tin hiệu quả và tiếp cận trực tiếp với độc giả.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết: Báo Quân đội nhân dân đang tập trung phát triển nội dung một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Hướng tập trung chính vào phát triển nội dung chính luận, đa phương tiện và báo chí dữ liệu, đồng thời phát huy thế mạnh, tính độc quyền về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Báo Quân đội nhân dân đang hướng đến những bài viết sâu toàn cảnh, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, với cách trình bày theo hướng trực quan, đa phương tiện, tương tác và cá nhân hóa; có thông tin chuyên sâu cho độc giả trung thành; hướng đến đối tượng nghiên cứu theo các lĩnh vực; thông tin phù hợp với các nhóm độc giả khác nhau; đưa nội dung lên nhiều nền tảng số; hướng tới cá nhân hóa giao diện người dùng; ứng dụng công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo) để đưa nội dung phù hợp tới bạn đọc…

Về quản trị tòa soạn số, Báo Quân đội nhân dân đang  tập trung vào nhiệm vụ: Xây dựng hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động đối với phóng viên, biên tập viên.

                                                            Tọa đàm tại phiên thứ hai hội thảo

Tại Hội thảo, các đồng nghiệp quốc tế đến từ ASEAN nhấn mạnh: Xu hướng chuyển đổi số là tất yếu; đồng thời đánh giá cao các xu hướng chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam ngày càng nhanh, toàn diện; quản trị tòa soạn số ở Việt Nam hiện đại. Qua đó, nâng cao chất lượng nội dung, sức cuốn hút, hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Ông Khieu Kola, Chủ tịch Hội Nhà báo Campuchia cho biết: "Hội thảo là nơi để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và những cách giúp chúng ta thay đổi để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí. Chúng ta sẽ phải kết hợp giữa ba nhà đó là nhà báo, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đào tạo người trẻ trong lĩnh vực báo chí. Chúng ta cũng cần chú trọng đến công nghệ, không có công nghệ chúng ta không có được tiến bộ trong cuộc sống, kinh tế xã hội khó phát triển. Vì thế báo chí cũng sẽ phải chú trọng vào công nghệ. Nhờ công nghệ, khu vực Đông Nam Á sẽ kết nối được với nhau để cùng phát triển và giữ được ổn định".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan nhấn mạnh: "Các đơn vị truyền thông của chúng tôi ở Thái Lan đang nỗ lực thay đổi để bắt kịp với chuyển đổi số trong báo chí truyền thông, quản trị tòa soạn (newsroom). Chúng tôi đã có được nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là khi phải đối mặt với sự nổi lên của truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhất là chúng tôi cũng phải điều chỉnh để tìm kiếm lợi nhuận, nguồn thu từ mạng xã hội. Trong quá trình đó, chúng tôi không chỉ phải đối mặt với các vấn đề liên quan công nghệ mà còn phải thay đổi chiến lược marketing liên quan tới nội dung. Ví dụ, khi làm một nội dung nào đó, chúng tôi phải làm sao để có thể đưa tin được trên nhiều nền tảng khác nhau vì mỗi nền tảng đó đều mang lại nguồn thu cho cơ quan truyền thông".

Từ các ý kiến tham luận, thảo luận ở phiên thứ hai giữa các chuyên gia công nghệ, nhà báo, nhà nghiên cứu đã bước đầu làm sáng tỏ các vấn đề: Vẫn tiếp tục đề cao nội dung; nâng cao năng lực của người làm báo; sử dụng công cụ đo đếm, phân tích công chúng; lựa chọn công nghệ phù hợp với thực tiễn cơ quan báo chí; không nên quá lạm dụng, trông chờ vào quá nhiều ứng dụng được cung cấp tràn lan mà cần nghiên cứu lựa chọn và tốt nhất là tự phát triển ứng dụng…

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Hội thảo góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức chuyển đổi số của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ,ASEAN đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.