Quy định về cách chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

08:31 | 11/08/2020

Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Bài báo dưới đây giới thiệu với bạn đọc quy định về cách chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ở trong nước sẽ do người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước, người làm công tác giao liên hoặc văn thư của cơ quan, tổ chức thực hiện.

Việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước giữa cơ quan, tổ chức ở trong nước với cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài hoặc giữa các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài với nhau sẽ do giao liên ngoại giao hoặc người được giao nhiệm vụ thực hiện.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong và trong quá trình vận chuyển phải có biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn. Trường hợp cần thiết phải có lực lượng bảo vệ.

Nếu vận chuyển tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua dịch vụ bưu chính thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về bưu chính. Nơi gửi và nơi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải kiểm tra, đối chiếu để kịp thời phát hiện sai sót và có biện pháp xử lý; việc giao, nhận phải được ghi đầy đủ vào sổ theo dõi riêng, người nhận phải ký nhận.

Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ

Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cho phép.

Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở nước ngoài phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, người có thẩm quyền quy định trong khoản 1 Điều 11 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước hoặc cấp phó được ủy quyền cho phép và phải báo cáo Trưởng đoàn công tác.

Trong quá trình mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phải có biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn. Nếu phát hiện bí mật nhà nước bị lộ, bị mất, người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, Trưởng đoàn công tác để có biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.