Trong vòng 5 năm tới, phòng thí nghiệm này sẽ nhận được 43 triệu đôla Singapore từ NUS, Singtel và Quỹ nghiên cứu quốc gia (NRF).
Phát biểu tại buổi lễ khai trương phòng thực nghiệm, Phó thủ tướng Singapore Trương Chí Hiền, người đồng thời cũng là chủ tịch NRF cho biết "những mô hình phòng thực nghiệm đầu tư công - tư như thế này sẽ giúp cho nghiên cứu công cộng phù hợp với nhu cầu của ngành công nghiệp, thúc đẩy các sáng tạo cho thị trường”.
Phòng thực nghiệm sẽ tập trung vào các lĩnh vực như dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn mạng. Bên cạnh đó, phòng thực nghiệm này cũng sẽ là nơi nghiên cứu của hơn 100 chuyên gia an toàn mạng Singapore và sẽ đào tạo khoảng 120 chuyên gia an toàn mạng cho Singapore trong vòng 5 năm tới.
Giám đốc điều hành của Singtel cũng cho biết, hiện nay rất nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Singapore phải đối mặt với những thách thức ngày càng tinh vi trên không gian mạng và phòng thực nghiệm này sẽ cho phép phát triển và mang lại các dịch vụ an toàn mạng trên thị trường một cách nhanh chóng giúp cho các công ty chống lại các mối đe dọa đó.
Trước đó, ngày 10/10 Thủ tướng Lý Hiển Long đã tham dự lễ khai mạc Tuần lễ An toàn mạng quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Singapore và chính thức công bố chiến lược quốc gia về an toàn mạng của nước này nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng Internet, cũng như đẩy mạnh khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng quốc gia thông minh.
Phát biểu khai mạc sự kiện này, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh an toàn mạng là "một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, đặc biệt trong việc kết nối để xây dựng một quốc gia thông minh nhưng cũng phải đảm bảo an toàn".
Theo đó, Chiến lược an toàn mạng quốc gia của Singapore tập trung vào bốn mục tiêu quan trọng, bao gồm: Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước và bảo vệ các cơ sở đó khỏi các cuộc tấn công không gian mạng; Xây dựng một hệ sinh thái an toàn mạng rộng khắp từ các doanh nghiệp tới cá nhân; Tạo việc làm thông qua việc trọng dụng các tài năng an toàn mạng; Tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó tốt hơn đối các mối đe dọa không gian mạng.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Singapore sẽ tăng chi ngân sách cho lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm củng cố mạng lưới hạ tầng cơ sở thông tin trong các lĩnh vực quan trọng như dịch vụ khẩn cấp, chính phủ điện tử, ngân hàng và tài chính, giao thông, y tế... cũng như trao quyền hạn nhiều hơn cho Cơ quan An toàn mạng của Singapore (CSA) vừa thành lập vào năm 2015 trong việc kiểm soát các dịch vụ liên quan đến an toàn mạng ở khu vực tư nhân như hệ thống thanh toán tài chính.
Bên cạnh đó, Singapore cũng đặc biệt coi trọng việc hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới để tăng cường chia sẻ thông tin, giảm thiểu các rủi ro có thể xuất hiện từ các cuộc tấn công mạng xuyên biên giới cũng như hợp tác để giải quyết các sự cố một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hiện nay, CSA đã ký thỏa thuận với một số nước như Anh, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ và Mỹ để tăng cường hợp tác về an toàn mạng. Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore công bố Đạo luật An ninh toàn mới sẽ được đệ trình lên Quốc hội xem xét vào giữa năm 2017.