Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Thiếu tướng Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; lãnh đạo các cơ quan đơn vị về CNTT, ATTT của các Bộ, ngành; lãnh đạo Sở TT&TT một số tỉnh phía Bắc và đại diện một số Hiệp hội.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Quy hoạch ATTT số Quốc gia đến năm 2020.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị.
Thiếu tướng Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch công tác đảm bảo an toàn thông tin đã có nhiều chuyển biến tích cực: Dự thảo luật An toàn thông tin đã được trình lên Quốc hội và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015; đã thành lập một số cơ quan, đơn vị chuyên trách về ATTT; vấn đề đào tạo chuyên ngành ATTT bậc đại học và sau đại học đã được đẩy mạnh cùng với tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đảm bảo ATTT. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức đảm bảo ATTT được thực hiện qua các hội thảo. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định: Sau 5 năm triển khai Quyết định 63, hầu hết các mục tiêu phát triển đặt ra đến năm 2015 vẫn chưa được thực hiện một cách trọn vẹn, còn bị động trong nhiều trường hợp, chưa ứng phó kịp thời sự cố, một số vụ tấn công gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều tổ chức.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, thay mặt Cục ATTT, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng đã trình bày dự thảo Kế hoạch đảm bảo ATTT quốc gia giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tổng thể: Nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin quốc gia; chủ động, sẵn sàng đối phó, ngăn chặn và giảm thiểu các nguy cơ, đe doạn mất an toàn thông tin trên mạng; xây dựng môi trường mạng an toàn, tin cậy, qua đó, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Bản kế hoạch cũng nêu rõ 5 "trụ cột" trong công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia bao gồm: Môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách; Tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực; Hạ tầng kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; Hợp tác quốc tế, Thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam.
Thiếu tướng Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Tiếp theo là tham luận của Thiếu tướng Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ. Bản tham luận đã phân tích rõ hơn một số nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ. Để đảm bảo ATTT cho hạ tầng thông tin quốc gia theo mục tiêu của bản Quy hoạch, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai tốt 4 nhiệm vụ: Thứ nhất là sử dụng kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước được lưu trữ, chuyển qua các phương tiện thông tin, viễn thông và lưu trữ trong các phương tiện, thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông. Thứ hai là cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử phục vụ cho việc triển khai chính phủ điện tử, các giao dịch dựa trên CNTT trong hệ thống chính trị. Thứ ba là triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên các mạng CNTT trọng yếu của các cơ quan Đảng, Chính phủ, đặc biệt là các mạng CNTT có triển khai các sản phẩm mật mã của ngành Cơ yếu. Thứ tư là thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Ban Cơ yếu Chính phủ luôn chú trọng phát triển và nâng cao nhận thức xã hội bằng việc triển khai đào tạo nguồn lực ATTT tại Học viện Kỹ thuật Mật mã từ năm 2004 và thực hiện đào tạo thạc sĩ ATTT đầu tiên trên cả nước. Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thành lập một số tổ chức phục vụ cho sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, bao gồm: Cục Quản lý Mật mã Dân sự và Kiểm định Sản phẩm Mật mã, Cục chứng thực số và bảo mật thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng.
Về phương hướng sắp tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục chủ động cùng với các Bộ, ngành có liên quan, hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm giải quyết tổng thể ở quy mô quốc gia các yêu cầu về bảo vệ an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn tới.
Hội nghị còn được nghe tham luận đến từ đại diện các đơn vị VNCERT, Hiệp Hội ATTT Việt Nam, Sở TTTT Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử, Hiệp hội Internet Việt Nam… góp ý nhiều nội dung xác đáng vào Báo cáo Sơ kết Quy hoạch và Kế hoạch bảo đảm ATTT giai đoạn 2016 – 2020. Các tham luận cũng đề cập tới vấn đề xây dựng kiến trúc tổng thể và bảo đảm ATTT cho hệ thống mạng chuyên dùng của các cơ quan nhà nước; những thách thức về ATTT với xu hướng công nghệ IoT; vấn đề thuê dịch vụ CNTT….
Cuối Hội nghị là phiên thảo luận do ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT chủ trì, đề cập tới các vấn đề đang là mối quan tâm của các CIO từ các Bộ, ngành, địa phương như: Chính sách đối với nguồn nhân lực ATTT tại các đơn vị cơ sở; Quy trình triển khai kế hoạch 2016 – 2020 đối với các địa phương; Vấn đề tích hợp Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác trong lĩnh vực CNTT-TT tại địa phương….