Số liệu về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam năm 2016

13:00 | 20/07/2017

Theo Báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử”của Văn phòng Chính phủ, năm 2016 đã có 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ.

Đến nay, đã có 29/30 Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch hành động xây dựng Chính quyền điện tử. Có 19/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 

Theo số liệu báo cáo, đến nay đã cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.

Ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là 3 cơ quan đặc thù, đang nghiên cứu phương án kết nối riêng để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, còn lại ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chưa hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.

Có 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 Bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia và gửi Bộ TT&TT, đề xuất nguồn kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để triển khai thực hiện. Hiện tại, hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp một số dịch vụ công mức độ 3, 4 từ một số Bộ, ngành, địa phương lên hệ thống thử nghiệm.

Về tình hình thực hiện 82 dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành Trung ương được ban hành trong Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện năm 2016, đã có 63/82 dịch vụ công trực tuyến đã triển khai theo Danh mục, đạt tỷ lệ 77%.



Việc ban hành Nghị quyết 36a đã có tác động tích cực về mặt nhận thức để các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác ứng dụng CNTT.

Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT bước đầu thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ của Nghị quyết 36a với cách làm mới như: Kế thừa những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trước đây của các Bộ, ngành, địa phương; Tập hợp, sử dụng nguồn lực cán bộ CNTT từ nhiều doanh nghiệp CNTT khác nhau, các tập đoàn lớn của nhà nước (VNPT, Viettel); Sử dụng hạ tầng kỹ thuật hiện có là Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, không xây dựng hạ tầng mới, tạo điều kiện triển khai các ứng dụng trong thời gian ngắn hơn.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chủ yếu đặt ra đến hết năm 2016 của Nghị quyết 36a đã không hoàn thành, cụ thể là chỉ tiêu các Bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 theo danh mục được ban hành và chỉ tiêu Việt Nam xếp trong nhóm 4 các quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.

Trên cơ sở tình hình triển khai Chính phủ điện tử đã nêu, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện các nội dung sau: Tập trung triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ cụ thể; Khẩn trương hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong năm 2016 theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý; Khẩn trương thiết lập và đưa Cổng dịch vụ công Quốc gia vào hoạt động.

Tình hình triển khai Chính phủ điện tử ở các Bộ, ngành, địa phương

Sau khi triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước (2011-2015) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước (2011-2020), Việt Nam đã thu nhiều thành tựu quan trọng. Theo khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố đều có trang/cổng thông tin điện tử; 90% các đơn vị trực thuộc các bộ, sở, ngành, quận, huyện đã trang bị hộp thư điện tử; 95% các bộ, cơ quan ngang bộ, 98% UBND tỉnh và 54% UBND huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng. 

Trong những năm qua, với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Việt Nam đã tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, giảm thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả ở các địa phương.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung công việc nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Nhiều thành phố như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, Nam Định,… đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh xã hội đã triển khai 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên thuộc các lĩnh vực do Vụ Pháp chế, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục An toàn lao động phụ trách, gồm các dịch vụ công: Cấp, cấp lại giấy phép lao động cho chuyên gia khoa học và công nghệ làm việc tại Việt Nam; Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; Cấp, cấp lại, bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; Cấp, cấp lại, gia hạn, đổi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Cho đến nay, việc triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã hoàn thành theo đúng tiến độ và yêu cầu đề ra của Chính phủ.

Ngày 24/3/2017, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Hệ thống đã được thí điểm thành công ở 5 tỉnh/thành phố và dự kiến triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ 1/6/2017 sẽ kết nối tất cả các cấp với 17.000 điểm phục vụ người dân được thực hiện theo cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là bước ngoặt không chỉ đối với lĩnh vực y tế dự phòng, mà cả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014; xếp thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á, xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Brunei.