Là một Tập đoàn kinh tế do Bộ Quốc phòng quản lý, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kết hợp hiệu quả giữa nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Bằng những hoạt động cụ thể, Viettel đang từng bước xây dựng và khẳng định vai trò là “phên giậu mềm”, một tấm lá chắn công nghệ nhiều tầng trong thế trận quốc phòng - an ninh của quốc gia. Với một số người, một đơn vị thành lập từ thời bình mà được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là điều khá mới. Nhưng nếu nhìn vào những gì mà Viettel đã làm được, những trọng trách về quốc phòng - an ninh mà Viettel đang gánh vác, những kế hoạch trong tương lai, có thể khẳng định Viettel hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý trên do Đảng, Nhà nước trao tặng. Cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân, có thể thấy Viettel là đơn vị mang phẩm chất “anh hùng lập nghiệp”, tính tự lực, tự cường cao, nhờ đó đã từ yếu thành mạnh, từ nhỏ bé vươn lên thành to lớn chỉ trong một thời gian không dài. Sự lớn mạnh của Viettel đã làm tăng tiềm lực cả kinh tế, quốc phòng, khoa học và công nghệ cho đất nước. Viettel đang không ngừng vươn lên để đủ bản lĩnh cả về vật chất và con người để chống lại chiến tranh mạng, chiến tranh công nghệ cao trong tương lai.
Thứ nhất, Viettel đang cung cấp hạ tầng viễn thông mạnh nhất, rộng nhất, trở thành mạng quốc phòng thứ hai của đất nước. Viettel có trên 50.000 trạm thu phát sóng (BTS), gần 180.000km cáp quang, đã quang hóa gần 100% số xã trên cả nước; xây dựng thành công tuyến đường trục truyền dẫn nối 3 nước Đông Dương; phủ sóng 100% các đồn biên phòng, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phủ sóng thành công dọc bờ biển dài hơn 3.000km với bán kính cách bờ 100km. Có những vùng đi cả ngày không thấy người nhưng vẫn có sóng điện thoại di động của Viettel. Lênh đênh trên biển vẫn có sóng Viettel. Sự hiện diện của sóng viễn thông ở biên giới, biển, đảo không chỉ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quốc phòng-an ninh, hoạt động kinh tế mà cũng chính là dấu mốc thể hiện chủ quyền của quốc gia.
Là mạng quân sự thứ hai, hệ thống viễn thông Viettel không chỉ để dự phòng mà đã trực tiếp tham gia bảo đảm tốt thông tin liên lạc phục vụ nhiệm vụ diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bạo loạn lật đổ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thiếu tướng Vũ Anh Văn, Tư lệnh Binh chủng thông tin liên lạc đánh giá rất cao hạ tầng truyền dẫn này, nó đã góp phần bảo đảm tốt thông tin liên lạc trong thời bình cũng như sẵn sàng cho thời chiến.
Viettel đã xây dựng hoàn chỉnh mạng cáp quang đến các đơn vị trong toàn quân, đã hoàn thành số hóa 100% hệ thống thông tin quân sự; đặc biệt đã xây lắp và bàn giao cho Binh chủng Thông tin liên lạc đường trục 1A đường trục QB và các đường nhánh (kết nối giữa đường trục 1A và 1B). Tập đoàn triển khai cầu truyền hình giao ban xa cho Bộ Quốc phòng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và chỉ huy huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giúp tiết kiệm chi phí hội họp.
Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã dùng từ “vĩ đại” để nói về hai công trình đầu tư cho vùng sâu, đó là đường tuần tra biên giới và hệ thống viễn thông của Viettel. Theo đồng chí, trong sự nghiệp bảo vệ quốc phòng-an ninh thì mạng viễn thông Viettel đóng vai trò hết sức quan trọng. Dọc tuyến biên giới trên 5000km đều đã được phủ sóng điện thoại di động. Hàng ngày, viễn thông góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, đồng thời giúp bộ đội biên phòng và các lực lượng vũ trang vùng biên giới nắm chắc địa bàn, liên kết chặt chẽ với nhau. Khi có tình huống, viễn thông tạo sự chủ động trong ngăn chặn xử lý. Có thể nói, mạng viễn thông ấy đã góp phần giúp Tổ quốc “không bị bất ngờ”. Trong thời gian qua, Viettel đã phục vụ các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xử lý thành công các điểm nóng, các vụ án phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại vùng biên giới.
Thứ hai là Viettel đang cung cấp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và ngân sách quốc phòng. Từ năm 2000 đến năm 2013, doanh thu của Viettel tăng 3033 lần (từ 53,7 tỷ đồng lên 162.886 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế tăng 28.086 lần (từ 1,25 tỷ đồng lên 35.086 tỷ đồng); nộp ngân sách tăng 3396 lần (từ 4 tỷ đồng lên 13.586 tỷ đồng). Đến hết năm 2013, tổng giá trị tài sản Viettel tăng 33.000 lần (từ 2,3 tỷ đồng lên 76.124 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu tăng 12.700 lần (từ 6,6 tỷ đồng lên 84,4 nghìn tỷ đồng. Viettel chiếm gần ¾ tổng số kinh phí các doanh nghiệp quân đội đóng góp cho quốc phòng.
Thứ ba, Viettel đã tham gia vào việc nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị phục vụ quân đội. Nhờ nguồn lực tài chính dồi dào và từ tinh thần, trách nhiệm với đất nước, quân đội, Tập đoàn đã rất quyết tâm trong việc nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị quân sự, chỉ sau một thời gian ngắn đã sản xuất thành công 8 loại máy thông tin quân sự hiện đại, 2 loại ra đa và hệ thống VQ cảnh giới vùng trời. Đây là những thiết bị không nhiều người nghĩ người Việt Nam có thể làm được. Việc tự nghiên cứu, sản xuất được vũ khí, trang thiết bị quân sự mang tính chiến lược rất cao vì phù hợp với nghệ thuật tác chiến của quân đội ta, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của Việt Nam và đặc biệt là bảo đảm yếu tố bí mật quân sự. Không những thế, giá thành của các sản phẩm trên lại rẻ hơn so với khí tài nhập ngoại. Những thành công bước đầu kể trên đã được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, cũng như các đơn vị trong toàn quân đánh giá cao. Thiếu tướng Vũ Anh Văn, Tư lệnh Binh chủng thông tin liên lạc cho biết, các máy thông tin quân sự của Viettel đã được cấp cho các đơn vị trong toàn quân, được các đơn vị đánh giá rất tốt, góp phần hiện đại hóa hệ thống thông tin quân sự.
Thứ tư, Viettel là môi trường bồi dưỡng, đào tạo, giữ gìn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội và đất nước. Năm 2000, khi tham gia thị trường viễn thông, Viettel mới chỉ có gần 200 cán bộ, nhân viên, đến nay, đã có gần 25.000 cán bộ, nhân viên; trong đó có gần 60% có trình độ đại học và trên đại học. Đặc biệt, Viettel đã thu hút và thông qua thực tiễn đào tạo được trên 4000 kỹ sư, trong đó có trên 100 kiến trúc sư, kỹ sư đầu ngành có khả năng nghiên cứu, sản xuất, khai thác và làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị quân sự. Đội ngũ này sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin liên lạc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Các cán bộ của Viettel, đặc biệt là cán bộ nghiên cứu trưởng thành rất nhanh vì luôn được “thử lửa” trong công việc, các ý tưởng nếu được chấp nhận sẽ ngay lập tức được thực hiện, ứng dụng để cho ra đời các sản phẩm. Đây là điều mà cán bộ của nhiều viện nghiên cứu trên cả nước mong ước, bởi rất nhiều đề tài tốt, ý tưởng hay nhưng không thể thực hiện do thiếu kinh phí, không có đầu ra.
Cùng với đó, Tập đoàn đã chủ động xây dựng một trung đoàn dự bị động viên có tính cơ động, bố trí ở các vị trí trọng điểm trên cả nước. Lực lượng dự bị này là những cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hàng năm được tổ chức huấn luyện các phương án tác chiến, sẵn sàng chuyển trạng thái phục vụ quân đội khi có chiến tranh xảy ra.
Thứ năm, Viettel đầu tư ra nước ngoài thành công từ đó nâng cao vị thế và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và một số quốc gia, thực hiện chiến lược phòng thủ đất nước từ xa. Viettel đã xuất hiện ở 8 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Tại các quốc gia như Lào, Cam-pu-chia các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Viettel đã triển khai xây dựng thành công tuyến đường trục truyền dẫn Đông Dương dung lượng 400Gbps nối trực tiếp 3 nước Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia. Tại các thị trường nước ngoài, Viettel đã đầu tư một cách nghiêm túc, bền vững, có trách nhiệm, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng viễn thông, giúp giảm giá cước viễn thông, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ phát triển tại các nước bạn, nhờ đó nâng cao tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước nói trên.
Tầm vóc của Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã góp phần làm tăng niềm tin về tiềm lực to lớn của quân đội ta, đất nước ta. Đó cũng là hình ảnh đặc trưng của quân đội trong thời bình, tham gia vào mặt trận xây dựng kinh tế, làm giàu cho đất nước. Quá trình tham gia xây dựng kinh tế cũng đồng thời là quá trình thao luyện đội ngũ, nâng cao sức mạnh tổng hợp để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.