Tấn công DDoS vào Báo điện tử VOV gây hậu quả nghiêm trọng

07:41 | 16/06/2021

Liên tiếp trong 3 ngày qua, sự việc Báo điện tử VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) bị tấn công mạng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc tấn công vào cơ quan báo chí quan trọng, thiết yếu của đất nước không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật đơn thuần mà có thể coi đây là hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia xét cả về tính chất và hành vi vi phạm.

Tấn công từ chối dịch vụ khiến ngưng trệ hoạt động toà soạn báo điện tử VOV

Theo thông tin từ Báo điện tử VOV, ngày 13/6, hệ thống mạng của báo này đã bị tin tặc tấn công với hình thức tấn công gây hậu quả rất nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng cần xử lý nghiêm người gây ra các sự cố. Các đối tượng đã sử dụng cách thức tấn công DDoS, tức là cho một lượng lớn truy cập ồ ạt cùng một thời điểm, làm tràn băng thông, khiến người đọc không thể truy cập vào trang web. Ngoài trang web, fanpage, hệ thống quản trị nội dung, Google Map... của  báo VOV cũng đồng loạt bị tấn công.

Trang Web Báo VOV thời điểm không truy cập được

Cụ thể, theo bộ phận quản trị mạng Báo điện tử VOV trong ngày 13/6, trang web của báo đã bị tấn công và báo lỗi liên tục từ 13h - 17h. Phóng viên không thể tác nghiệp đưa bài lên trang web và người đọc không thể truy cập được.

Ngoài ra, tin tặc cũng tấn công Google map của Báo điện tử VOV. Chỉ trong 2 ngày qua, đồng loạt gửi tới hơn 7.000 bài đánh giá, trong đó có tới hơn 6.934 bài đánh giá xấu, khiến Google map đang từ 4,5 sao xuống còn mức thấp nhất chưa từng có: 1,4 sao. Số điện thoại của báo cũng bị những đối tượng quá khích kêu gọi khủng bố, đánh sập báo.

Không chỉ bị tấn công trên các nền tảng số, lãnh đạo, một số phóng viên của Báo điện tử VOV, người thân của phóng viên còn nhận được hàng trăm tin nhắn qua Zalo, Facebook có nội dung chửi bới, lăng mạ, đe dọa.

Mới đây nhất vào sáng ngày 15/6, theo một thông tin chưa được xác thực trên mạng xã hội facebook một tài khoản đã tìm được một lỗ hổng nghiêm trọng từ trang quản trị admin, qua đó truy cập toàn bộ tên đăng nhập mà mật khẩu nội bộ của VOV. Tuy nhiên, tài khoản này cũng phản ánh chưa liên hệ được với các bộ phận kỹ thuật để xử lý lỗ hổng này.

Phản ứng của VOV

Theo đại diện VOV, đây là sự việc chưa từng có trong lịch sử hoạt động 22 năm của cơ quan báo chí này. Nguyên nhân của cuộc tấn công được cho liên quan đến hai bài viết đăng trên báo điện tử VOV ngày 12/6, về hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn lệch chuẩn, công kích và xúc phạm đến cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Báo Điện tử VOV đã gửi công văn đến Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin và Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị các cơ quan này vào cuộc, điều tra làm rõ việc VOV vừa bị các đối tượng quá khích cố tình tấn công các nền tảng mạng của một cơ quan báo chí quốc gia, đồng thời đề nghị hỗ trợ khôi phục giá trị của VOV.VN trên các nền tảng đã bị tấn công.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Đại diện Cục An toàn thông tin, đánh giá, đây là cuộc tấn công ảnh hưởng nặng nề đến báo điện tử VOV. Điều này cũng cho thấy nguy cơ rủi ro, mất an toàn, an ninh, bị tấn công là rất lớn trên môi trường mạng, đặc biệt là với những trang báo điện tử có lượng độc giả theo dõi lớn. Đây là cuộc tấn công nhắm vào cơ quan báo chí của nhà nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Được biết, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý việc báo điện tử vov.vn bị tấn công mạng.

Bộ Công an cũng đang điều tra làm rõ vụ việc, để tìm ra những người có hành vi vi phạm nghiêm trọng, khi cố tình tấn công các nền tảng kỹ thuật số của một cơ quan truyền thông quốc gia.

Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi tấn công mạng đối với cơ quan truyền thông quốc gia là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: "Hành vi tấn công vào cơ quan phát thanh quốc gia bằng hình thức tấn công trực tiếp hay tấn công mạng đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này, tổn hại đến tài sản, uy tín của cơ quan truyền thông quốc gia. Hành vi trên có dấu hiệu phạm vào tội "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử", được quy định tại điều 287 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tại khoản 1 của điều luật trên, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, nghiêm trọng hơn, tại khoản 3 của điều luật trên quy định, có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm".