Theo số liệu mới nhất từ Kaspersky, có đến 26,36% các nỗ lực lừa đảo tại Việt Nam vào tháng 4/2022 liên quan đến tài chính. Các vụ lừa đảo nhắm vào ngân hàng, các hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến.
Trong đó, lừa đảo thông qua các hệ thống thanh toán là trường hợp phổ biến nhất được hãng bảo mật phát hiện, chiếm 11,77% tổng số lừa đảo và hơn 44% trong số các loại lừa đảo tài chính.
Do các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, các vụ lừa đảo mạo danh những hệ thống thanh toán phổ biến như Visa, Mastercard, PayPal,… cũng phát triển theo.
Bên cạnh đó, xu hướng lừa đảo nhắm vào các cửa hàng trực tuyến cũng ngày một tăng theo, chiếm khoảng 30% trong số những trường hợp lừa đảo tài chính.
Các lừa đảo liên quan đến ngân hàng chiếm 6,46% trong tổng số trường hợp lừa đảo. Hầu hết các ngân hàng lớn tại Việt Nam đều bị mạo danh website, kẻ xấu thiết kế một trang web có giao diện giống với trang chính thức nhằm đánh lừa người dùng để đánh cắp thông tin ngân hàng.
Lừa đảo tài chính chiếm phần lớn trong các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam tháng 4/2022. (Nguồn: Kaspersky)
Mặc dù, lừa đảo tài chính chiếm số lượng lớn tại Việt Nam trong tháng 4 vừa qua, song con số tại Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.
Chẳng hạn, Philippines là quốc gia có tỷ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%. Những quốc gia còn lại, trừ Việt Nam, đều có tỷ lệ tấn công ở mảng tài chính cao hơn 40%.
Với 26,36%, Việt Nam có tỷ lệ bị tấn công tài chính thấp nhất so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của Đông Nam Á (43,06%). Hãng bảo mật đánh giá, tỷ lệ ấn tượng này có thể là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trong bối cảnh gia tăng của ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực.
“Mục tiêu chính của tội phạm mạng là tiền, vì vậy điều quan trọng là các ngân hàng, nhà phát triển ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ phải tích hợp an ninh mạng ngay từ khi bắt đầu phát triển ứng dụng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các công ty fintech triển khai phương pháp tiếp cận bảo mật theo thiết kế trong hệ thống của họ và liên tục cung cấp kiến thức chủ động cho người dùng trong giai đoạn này, khi các cuộc tấn công lừa đảo tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ,” ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nêu ý kiến.
Số liệu của Kaspersky được xác định từ dữ liệu ẩn danh dựa trên việc xác định các thành phần trong hệ thống chống lừa đảo Anti-Phishing của họ trên máy tính người dùng. Thành phần này xác định tất cả các trang web với nội dung lừa đảo mà người dùng đã cố gắng truy cập thông qua các liên kết trong email hoặc trên web, miễn là liên kết đến các trang này nằm trong cơ sở dữ liệu của Kaspersky.