Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp
Phiên họp của Ủy ban Chính trị diễn ra dưới sự chủ trì của Hội đồng Lập pháp Brunei với sự tham dự của các Đoàn nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân.
Phiên họp đã tập trung vào các nội dung như: Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN; thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN; tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN…
Các Đoàn nghị viện thành viên tham dự Ủy ban Chính trị nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, cần thúc đẩy nhanh quá trình số hóa và nền kinh tế số trong khu vực, quá trình này cần được bảo vệ bởi một hệ thống mạng Internet an toàn, bảo mật cao. Ủy ban kêu gọi Chính phủ các nước cần có những chương trình để bảo vệ, nâng cao nhận thức của người dân về an ninh mạng; cho rằng các Nghị viện thành viên cần tăng cường hợp tác trong an ninh mạng và tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý bảo vệ dữ liệu trong không gian mạng.
Tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết, Đoàn Việt Nam đã phát biểu một số nội dung về hợp tác an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện và nêu một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA-ASEAN trong lĩnh vực này.
Tại Nghị quyết về “Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN”, Đoàn Việt Nam đã tham gia một số đề xuất. Cụ thể, cần thành lập các cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch; tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.
Về chính sách an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu của Việt Nam, Đoàn Việt Nam nêu rõ, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và ban hành Chiến lược an ninh mạng nhằm cụ thể hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng và xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật An ninh mạng (năm 2018). Sự ra đời của Luật đã đặt nền móng pháp lý chính thức đầu tiên điều chỉnh các vấn đề trong lĩnh vực an ninh mạng. Đồng thời Việt Nam cũng rất coi trọng bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn chủ động có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việt Nam đã có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.
Tại báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Tổ chức liên minh viễn thông thế giới công bố, Việt Nam xếp thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 25 bậc so với công bố năm 2019 và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong ASEAN. Trong 5 trụ cột đánh giá thì có 2 trụ cột được điểm tuyệt đối là pháp lý và hợp tác. Việt Nam cũng đã tham gia và đưa ra một số sáng kiến hợp tác trong ASEAN nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN số 2025, như: Thúc đẩy các hành động ưu tiên tăng phục hồi ASEAN; Mở rộng vùng bao phủ của cơ sở hạ tầng băng thông rộng; Tạo thị trường cạnh tranh; Thúc đẩy môi trường số, dịch vụ số tạo điều kiện cho thương mại; Thúc đẩy xã hội số bao trùm trong ASEAN.
Qua thảo luận trực tuyến, các Đoàn nghị viện thành viên AIPA cũng nhất trí cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những thách thức mới về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. An ninh mạng là động lực để các quốc gia tận dụng lợi ích của số hóa với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ nền dân chủ và quyền con người.
Tại Phiên họp, các nghị viện thành viên đã thống nhất thông qua 4 dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Báo cáo Hội nghị nhóm tư vấn AIPA lần thứ 12 (AIPA Caucus 12); Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN; Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN; Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN.