Cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và Internet nói riêng đã tác động mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở ra một kỷ nguyên mới cho xã hội loài người. Đồng thời, CNTT cũng đã trở thành phương tiện nguy hiểm để các thế lực thù địch và bọn tội phạm lợi dụng vào mục đích phá hoại, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và an ninh của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Theo thống kê của các cơ quan an ninh mạng quốc tế, trong năm 2012, thiệt hại về kinh tế do tội phạm mạng gây ra đã lên đến 388 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2011 là 114 tỷ USD. Đặc biệt, số vụ tấn công mạng vào các hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu của nhiều quốc gia ngày càng gia tăng và các thiết bị kết nối Internet truyền thống, các thiết bị dân dụng, như tivi thông minh, máy in, hệ thống phần mềm điều khiển trên xe ô tô... cũng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.
Bên cạnh các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống, nguy cơ chiến tranh mạng đang trở nên hiện hữu. Không phải ngẫu nhiên, Eugene Kaspersky, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của hãng bảo mật Kaspersky Lab đã đánh giá: Những năm 90 của thế kỷ 20 là thập kỷ của những kẻ phá hoại trên mạng; những năm đầu thế kỷ 21 là thập kỷ của tội phạm mạng và giờ đây là kỷ nguyên mới của chiến tranh không gian ảo và khủng bố không gian mạng. Chiến lược không gian mạng quốc tế của Mỹ - quốc gia hàng đầu về CNTT cũng xác định tấn công mạng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích an ninh quốc gia của nước này.
Ở nước ta, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, CNTT đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng, phát triển để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh việc phát triển CNTT, công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, từng bước nâng cao năng lực phòng thủ của Việt Nam trên không gian mạng. Lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên không gian mạng, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu; hệ thống mạng thông tin còn nhiều lỗ hổng bảo mật, bị các thế lực thù địch, phản động và tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng tấn công xâm nhập, phá hoại, gây thiệt hại lớn. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ về an ninh, an toàn thông tin; công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, giữa Trung ương và địa phương thiếu chặt chẽ...
Trong thời gian tới, với khả năng kết nối vô hạn của mạng thông tin toàn cầu, tấn công mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống khi xung đột vũ trang xảy ra.
Đối với Việt Nam, hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất là hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, tổ chức quan trọng vẫn sẽ là mục tiêu tấn công xâm nhập của tin tặc nước ngoài; nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp phòng, chống hữu hiệu. Trước tình hình đó, cần thấu suốt một luận điểm cực kỳ quan trọng: Công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Đi đôi với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia. Đây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia nói riêng.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, nhất là Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ In-tơ-nét và thông tin trên mạng. Khẩn trương xây dựng chiến lược an ninh mạng của Việt Nam nhằm xác định hệ thống giải pháp mang tính lâu dài, toàn diện, tăng cường khả năng phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin và ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Gắn kết chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực tấn công trong các giải pháp phòng, chống các vi phạm và tội phạm mạng, tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Chú trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động phòng ngừa, hạn chế những sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch và các loại đối tượng lợi dụng xâm nhập hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của cơ quan, tổ chức và công dân. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi làm mất an ninh, an toàn thông tin; lộ, lọt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ hoặc lợi dụng bí mật nhà nước, thông tin nội bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý các trang thông tin điện tử; có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các trang thông tin điện tử, blog có nội dung xấu, độc, tin nhắn rác; quản lý chặt chẽ điện thoại di động trả trước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, an toàn thông tin; xây dựng và ban hành Luật An ninh thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kiện toàn tổ chức bộ máy thực thi quản lý nhà nước về an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, hệ thống các đơn vị chuyên trách đảm bảo an toàn thông tin của cơ quan, tổ chức có hệ thống mạng thông tin. Coi trọng đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phạm tội trên không gian mạng.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ban, ngành, địa phương về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, thường xuyên trao đổi thông tin; qua đó kịp thời phát hiện các lỗ hổng bảo mật, dấu hiệu tấn công, xâm nhập cơ sở hạ tầng thông tin để phối hợp ngăn chặn, khắc phục, điều tra, xử lý. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng trong rà soát, phát hiện và phòng ngừa sự cố, khắc phục lỗ hổng bảo mật.
Tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực cho lực lượng chuyên trách đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng; đồng thời quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến để lực lượng An ninh mạng đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, lực lượng Công an phải thấu suốt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, không ngừng đổi mới về nhận thức, tư duy, nghiệp vụ và sáng tạo trong tổ chức thực hiện; tăng cường công tác nắm, dự báo sát đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, giải pháp và phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ mất an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.