Để quý vị độc giả có thể hiểu rõ hơn về những rủi ro và tầm quan trọng của việc tăng cường nhận thức của trẻ trên không gian mạng, Tạp chí An toàn thông tin mời đến trường quay bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội và bà Trần Thị Kim Phượng, Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.
Buổi Tọa đàm trực tuyến đã được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên website. Dưới đây là nội dung của buổi Tọa đàm.
Phóng viên: Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12 đến 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14 - 15 tuổi. Còn theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17 được hướng dẫn về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Thưa bà Nga, bà đánh giá sao về thực trạng này?
Bà Nguyễn Thị Nga: Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng như các chương trình về phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong những năm qua luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội rất quan tâm. Trước đây, hầu hết trẻ em Việt Nam hiếm khi được chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng để tham gia môi trường mạng được an toàn. Những số liệu báo cáo đưa ra đã cho thấy, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong thời gian qua, tuy nhiên chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Đặc biệt là việc trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ em hiểu biết, tham gia môi trường mạng thực sự an toàn.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội
Phóng viên: Hiện nay, sự phát triển nhanh về công nghệ cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt cho nhóm đối tượng là trẻ em vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Bà Phượng có thể đưa ra nhận định của mình về những nguy cơ tiềm ẩn mà trẻ em phải đối mặt khi tương tác trên môi trường mạng?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Có thể nói mạng internet là một kho tri thức rất lớn và là một môi trường để các em có thể học tập, giải trí, kết bạn, tuy nhiên, trên internet cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho các em. Một số nhóm nguy cơ có thể kể đến như:
Thứ nhất là rò rỉ thông tin cá nhân. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như từ bản thân các em tự đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng, cha mẹ các em đưa thông tin của con em mình lên mạng hoặc nhà trường có những chương trình cũng cần đưa các thông tin của các em lên mạng. Ngoài ra, một nguồn có thể gây rò rỉ thông tin nữa là từ việc cơ sở dữ liệu thông tin về trẻ em của các tổ chức/doanh nghiệp, các đơn vị bị xâm nhập và những kẻ xấu đã lấy cắp thông tin để rao bán. Từ sự rò rỉ thông tin sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả khó lường, các em sẽ bị kẻ xấu dùng các thông tin đó để lợi dụng, lừa đảo (ví dụ, lừa đảo kết bạn qua mạng, giả định các tình huống xấu để lừa đảo kiếm tiền hoặc để bắt nạt, lợi dụng, xâm hại).
Thứ hai là trong thời gian vừa qua đã xuất hiện rất nhiều tình huống đau lòng, đặc biệt là các em ở lứa tuổi học sinh bị bắt nạt trên mạng với các hình thức và mức độ khác nhau. Các em bị trêu chọc, chế giễu, nhục mạ, đe dọa. Đó là các hình thức khủng bố tinh thần, đối với các em nhỏ khi chưa đủ bản lĩnh thì nguy cơ đó có thể dẫn đến những tổn thương về mặt tâm lý, rối loạn lo âu và thậm chí còn có những hành động tự gây hại cho bản thân.
Thứ ba là các em dễ bị tiếp cận những thông tin độc hại. Hiện nay, trên mạng Internet có rất nhiều hình thức tuyên truyền thông tin hấp dẫn và các em chưa thể phân biệt được những thông tin đúng sai, thông tin giả, thông tin gây nhiễu, thông tin nói xấu người khác, những thông tin độc hại đó có thể tác động để đến tâm lý của các em, đưa đến nhận thức lệch lạc, trào lưu không tốt. Ngoài ra, bản thân các em khi sử dụng môi trường mạng cũng bị hấp dẫn, cuốn hút và nhiều khi các em bị nghiện game trên mạng, tiêu tốn thời gian làm ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt. Có thể nói, đây là những nguy cơ chính đối với trẻ em khi tham gia môi trường mạng.
Phóng viên: Hiện nay, các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Youtube… có nhiều hình thức tuyên truyền thông tin hấp dẫn, đa dạng, thu hút sự tham gia của trẻ em. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng những thông tin độc hại gây tác động tiêu cực tới các em. Vậy cần có những biện pháp nào để hạn chế những tác động tiêu cực này? Bà Nga có thể cho biết ý kiến của bà về vấn đề này không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Trước hết, tôi xin chia sẻ trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở Việt Nam. Trong những năm qua, Quốc hội cũng đã thông qua một số Luật rất quan trọng như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Trẻ em. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định quy định, trong đó đáng chú ý là những hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong các luật chuyên ngành và Luật Trẻ em. Đặc biệt, có những nhóm hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thì các cá nhân, các tổ chức vi phạm, mức phạt có thể lên đến 30 triệu đồng. Một số nhóm liên quan đến các tội danh được quy định trong Bộ Luật hình thì bị xử lý hình sự về vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt trong quy chế phối hợp với ngành thì Bộ công an, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã ban hành quy chế từ công tác xây dựng văn bản đến công tác tuyên truyền, giáo dục, phối kết hợp trong công tác kiểm tra.
Có thể nói, việc hoàn thiện thể chế đến thời điểm này về cơ bản ở Việt Nam đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, bên cạnh những nguy cơ rủi ro như chị Phượng đã chia sẻ cho đến hiện tại vẫn còn một số khái niệm thuật ngữ liên quan đến bảo vệ trẻ em cũng như xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, rất cần một sự thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như với các tổ chức thực hiện để chúng ta thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cha mẹ trẻ em cũng như cộng đồng nhận diện rõ thế nào là các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, cũng cần làm rõ nội hàm về các nguy cơ, rủi ro trẻ em có thể gặp phải trên môi trường mạng.
Chúng ta cũng đã có những quy định về thông tin độ tuổi trẻ em có thể tiếp cận những sản phẩm phù hợp với sự phát triển lành mạnh và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, cần cảnh báo những sản phẩm dùng cho trẻ em trên 13 tuổi hoặc trên 16 tuổi và giới hạn độ tuổi một cách rõ ràng.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thực hiện hàng loạt việc chọn lọc, gỡ bỏ những thông tin có hình ảnh hay những nội dung độc hại đối với trẻ em. Tuy nhiên, trước sự phát triển bùng nổ của công nghệ, hằng ngày trẻ em vẫn bị tiếp cận với rất nhiều thông tin chưa phù hợp với sự phát triển của các em hoặc cũng còn rất nhiều thông tin độc hại mang tính phản cảm, thậm chí có những nội dung thông tin liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Phóng viên: Bà Phượng có thể đánh giá vấn đề nhận thức của trẻ em về các rủi ro mà Internet mang đến đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành, các hiệp hội, tổ chức quốc tế, nhà trường và xã hội đã có rất nhiều hành động để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo thông tin tại Báo cáo của tổ chức UNICEF đưa ra, có đến 36% trẻ em độ tuổi 15 - 17 có nhận thức về an toàn trên mạng. Tuy nhiên, tôi nghĩ có một dấu mốc có thể giúp các em có nhiều cơ hội tiếp cận được tuyên truyền đào tạo giáo dục hơn về các nguy cơ và kỹ năng, đó là từ năm 2021 Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” được triển khai theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình đưa ra các khuyến nghị và tuyên truyền các kỹ năng số cơ bản cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời triển khai các giải pháp, biện pháp kỹ thuật để phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Từ khi có chương trình, việc quan tâm đến trẻ em đã được toàn xã hội dành nhiều tâm sức và dành nhiều nguồn lực hơn.
Bà Trần Thị Kim Phượng, Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (ngồi bên phải)
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa, nhà trường, phụ huynh, các tổ chức, cơ quan nhà nước đã có nhiều chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức, phổ biến đào tạo về kỹ năng cho nên bản thân các em học sinh nhận thức về vấn đề tự bảo đảm an toàn thông tin, kiểm tra thông tin cá nhân, tự phòng tránh thông tin độc hại tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có một con số cụ thể chính xác cuối năm 2022 tỉ lệ là bao nhiêu % nhưng tôi nghĩ con số đó tăng lên vượt bậc so với những năm trước.
(còn tiếp)