Tạp chí An toàn thông tin tham gia Google Scholar

09:00 | 27/07/2021
T.U

Mới đây, Ấn phẩm "Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin" của Tạp chí An toàn thông tin đã tham gia vào cơ sở dữ liệu học thuật quốc tế Google Scholar. Độc giả có thể truy cập vào trang hồ sơ để theo dõi những công bố nghiên cứu mới nhất của Ấn phẩm.

Tham gia Google Scholar góp phần gia tăng sự ảnh hưởng của Tạp chí An toàn thông tin

Ấn phẩm Nghiên cứu Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin (Tên tiếng Anh là: Journal of Science and Technology on Information security) là một tạp chí mang tính học thuật, khoa học trong lĩnh vực an toàn thông tin được xuất bản định kỳ. Ấn phẩm đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước đã phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm công trình khoa học năm 2020  trong 02 hội đồng chuyên ngành: Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin (0,5 điểm) và Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá (0,25 điểm). 

Việc tham gia Google Scholar sẽ góp phần quốc tế hóa Ấn phẩm, giúp Ấn phẩm tham gia vào cộng đồng học thuật thế giới với lượng độc giả đồ sộ từ Google Scholar, cũng như đánh giá được sự ảnh hưởng của các công bố khoa học trên Ấn phẩm.

Đối với các tác giả đã viết bài trên Ấn phẩm, đây sẽ là cơ hội để các tác giả có mặt trên thư viện học quốc tế, nâng tầm ảnh hưởng và đóng góp khoa học của tác giả, tăng cơ hội được trích dẫn các công bố. Google Scholar chính là một công cụ góp phần đánh giá khách quan chất lượng nghiên cứu khoa học và năng suất công bố của Ấn phẩm nói chung và các tác giả đăng bài trên Ấn phẩm nói riêng.

Tạp chí An toàn thông tin khuyến khích các tác giả tăng cường trích dẫn các bài báo của Ấn phẩm để nâng cao uy tín và độ ảnh hưởng của Ấn phẩm, cũng như nếu đó là bài của tác giả thì nâng cao độ ảnh hưởng của chính tác giả, từ đó sẽ giúp Ấn phẩm và chính tác giả sẽ ngày càng khẳng định vị thế và mức độ uy tín khoa học trên trường quốc tế.

Ngày 30/6/2020, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2020 trong đó có ấn phẩm Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin (Tên tiếng Anh là: Journal of Science and Technology on Information security) của Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Giới thiệu về Google Scholar

Tính tới nay, thế giới đã có hơn 100 cơ sở dữ liệu và công cụ cho phép tìm kiếm chỉ số trích dẫn, như arXiv, CiteSeer, ScienceDirect, SciFinder Scholar, PubMed,… Trong số này, Scopus của Elsevier, Google Scholar của Google cùng với Web of Science đang là ba hệ thống phổ biến nhất. Trung bình số lượng tài liệu được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Google Scholar lên đến hơn 400 triệu với nhiều thể loại như sách, tạp chí khoa học, luận văn,…

Google Scholar là một dịch vụ tìm kiếm thông tin tài liệu web miễn phí vận hành trên nền tảng của hệ thống Google, cho phép truy cập danh mục hoặc toàn văn các tài liệu học thuật của các lĩnh vực nghiên cứu, chứa đựng nhiều thông tin về đa dạng ngành nghề với các nguồn trích dẫn cụ thể. Ra đời từ tháng 11/2004, Google Scholar lập chỉ mục hầu hết các tạp chí, sách, bài báo hội nghị, luận văn, luận án trực tuyến có phản biện; các ấn phẩm, bài tóm tắt, báo cáo kỹ thuật và các tài liệu học thuật khác như bằng sáng chế.

Các bài viết trên Google Scholar mang tính độc lập, luận án hay bài viết của một chuyên gia, bài nghiên cứu khoa học của các giảng viên đại học, nhà nghiên cứu khoa học độc lập,... Đây cũng là nơi chứa đựng nhiều tài liệu có giá trị học thuật từ các trường đại học, thư viện hay tổ chức trên khắp thế giới.

Thông qua Google Scholar, các nhà khoa học có thể giới thiệu, phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học của mình tới cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế. Google Scholar giúp các nhà khoa học theo dõi và nắm bắt được chỉ số trích dẫn cụ thể cho từng công trình khoa học đã được công bố. Qua đó, các nhà khoa học có thể gia tăng mức độ ảnh hưởng của các công bố khoa học (thông qua chỉ số trích dẫn) và cá nhân nói riêng, uy tín học thuật của đơn vị nói chung.

Đặc điểm nổi bật của Google Scholar

Khá giống với Google Search, Google Scholar là một công cụ tìm kiếm thông dụng, đơn giản, dễ sử dụng, hỗ trợ khả năng tìm kiếm cao về học thuật. Google Scholar cũng có giao diện hỗ trợ tiếng Việt, phù hợp với mọi lứa tuổi và dễ dàng triển khai với một số tính năng nổi bật dưới đây.

Tìm kiếm bài viết

Google Scholar có thể tìm kiếm các bài viết, các tóm tắt và trích dẫn từ nguồn thư viện Internet đồ sộ; định vị toàn bộ bài viết qua thư viện của hoặc trên trang web; và tìm hiểu về các bài viết quan trọng nhất trong bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào. Thông tin tìm kiếm cũng rất đáng tin cậy, với tính năng tìm được các bài viết cùng với tóm tắt ngắn gọn, giúp người dùng có thể nắm bắt nội dung một cách nhanh chóng nhất. Người dùng cũng có thể tìm kiếm các bài viết và thông tin không giới hạn và chỉ cần chọn lọc những gì đúng với nhu cầu tìm kiếm.

Khi tìm kiếm trên Google Scholar, đa phần các kết quả hiển thị sẽ là các bài viết có định dạng file PDF, giúp người dùng có thể dễ dàng tải về khi cần. Người dùng cũng có thể đăng ký là một học giả khi đăng tải những bài viết trên tài khoản của mình tại trang công cụ tìm kiếm Google Scholar. 

Xếp hạng bài viết

Google Scholar phân loại các bài viết theo cách mà các nhà nghiên cứu thực hiện, xem xét toàn văn từng bài viết, tác giả, ấn phẩm mà trong đó bài viết xuất hiện và mức độ thường xuyên mà bài viết được trích dẫn trong các tài liệu mang tính học thuật khác. Những kết quả có liên quan nhiều nhất sẽ luôn xuất hiện ở trang đầu tiên.

Trích dẫn của Google Scholar

Trích dẫn của Google Scholar cung cấp cách đơn giản cho tác giả để theo dõi trích dẫn cho bài viết của họ, có thể kiểm tra người đang trích dẫn ấn phẩm của mình, đồ thị trích dẫn theo thời gian và tính nhiều số liệu trích dẫn. Tác giả cũng có thể đặt tiểu sử của mình ở chế độ công khai để có thể xuất hiện trong kết quả của Google Scholar khi mọi người tìm kiếm tên tác giả.

Ưu điểm và nhược điểm của Google Scholar

Với nhiều tính năng cung cấp cho người dùng như trên, thì Google Scholar vẫn tồn tại một số hạn chế. Dưới đây là phân tích những ưu điểm và nhược điểm của Google Scholar mà người dùng cần chú ý.

Vị trí

Ưu điểm

Nhược điểm

Phần tìm kiếm

 - Giao diện thân thiện, tương tự như Google; dễ sử dụng hơn các cơ sở dữ liệu khác

 - Có thể lưu lại tài liệu để đọc sau

 - Ít chức năng tìm kiếm nâng cao: lọc theo loại tài liệu, lĩnh vực,...

 - Không thể giới hạn tìm kiếm từ khóa trong một phần cụ thể như tóm tắt, tổng quan nghiên cứu,...

Cách thức tìm kiếm

 - Dễ dàng tìm kiếm những tài liệu “hot” hoăc gần đây theo từ khóa

 - Thuật toán xếp hạng các tài liệu được tìm kiếm không rõ ràng và thay đổi sau một thời gian

 - Tài liệu chứa từ khóa trong tiêu đề sẽ được hiển thị nhiều hơn thay vì tài liệu có mật độ từ khóa nhiều trong bài, ảnh hưởng đến chất lượng tìm kiếm

Phần trang hồ sơ

 - Cung cấp chỉ số trích dẫn, độ ảnh hưởng của từng đối tượng người dùng (tác giả, tạp chí, trường...)

 - Không hiển thị đọc trước tóm tắt hoặc một đoạn của tài liệu

Nguồn tài liệu

 - Nguồn tài liệu đồ sộ.

 - Có nhiều tài liệu hiếm không thể tìm thấy ở thư viện online khác

 - Cung cấp bản PDF cho nhiều tài liệu

 - Cung cấp link đến các cơ sở dữ liệu gốc lưu trữ bài viết

 - Giới hạn tài liệu full-text

 - Có những tài liệu không được xác định rõ có phải tài liệu học thuật không

Trích dẫn (citation)

 - Cung cấp đầy đủ trích dẫn kèm link gốc với số lượng tác giả đã trích nguồn này

 - Có thể trích dẫn dưới nhiều dạng khác nhau (APA, Harvard, MLA,…)

 - Đôi khi có những trích dẫn sai, cần xem lại kỹ trước khi sử dụng lại

Độc giả có thể truy cập vào trang hồ sơ của Ấn phẩm để theo dõi (follow) nhằm cập nhật nhanh nhất các bài viết của Ấn phẩm, cũng như những trích dẫn mới nhất. Tạp chí kính mời các nhà nghiên cứu và người làm trong lĩnh vực an toàn thông tin tiếp tục đóng góp các bài viết, nghiên cứu về Ấn phẩm, để các bài viết  được xuất hiện trên thư viện quốc tế Google Scholar, nâng cao uy tín, độ ảnh hưởng khoa học của tác giả.